Tìm kiếm tin tức

 

Triển khai Nghị định 84/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 33 và 35/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải
Ngày cập nhật 26/07/2018

Thực hiện nội dung văn bản số 4140/UBND-GT, ngày 12/6/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, về việc triển khai Thông tư 33/2018/TT-BGTVT, số 35/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải và Nghị định 84/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung của Thông tư này như sau:

1. Nghị định 84/2018/NĐ-CP về ngưng hiệu lực đối với một số quy định tại Nghị định 58/2017/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải

Theo Nghị định 84/2018/NĐ-CP ngày 28/05/2018, Chính phủ quyết định ngưng hiệu lực đối với một số quy định tại Nghị định 58/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Cụ thể, ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Mục 3 về thủ tục điện tử áp dụng đối với tàu thuyền, gồm các Điều 82, 83, 84, 85, 86 về: Áp dụng thủ tục điện tử đối với tàu thuyền; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục điện tử đối với tàu thuyền; Chứng từ điện tử, chuyển đổi từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử và ngược lại; Sử dụng chữ ký số; Tiếp nhận và xử lý các vướng mắc của người làm thủ tục.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện thủ tục điện tử dành cho tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, vào, rời cảng biển và hoạt động trong vùng biển Việt Nam thông qua Cơ chế một cửa quốc gia quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 13, 14 và 16 của Quyết định 34/2016/QĐ-TTg đến hết ngày 30/06/2018.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.

2. Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt. 

Thông tư gồm 8 Chương, 80 Điều quy định chi tiết về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; tổ chức sát hạch, cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép lái tàu; nội dung sát hạch cấp giấy phép lái tàu; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sát hạch, cấp, cấp lại giấy phép lái tàu trên đường sắt; chế độ báo cáo, trách nhiệm thi hành…

Cụ thể, đối với tiêu chuẩn của chức danh trưởng tàu (bao gồm tàu khách và tàu hàng): Có bằng, chứng chỉ chuyên môn về điều hành chạy tàu hỏa hoặc vận tải đường sắt; có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đối với trưởng tàu khách phải có thời gian ít nhất 01 năm đảm nhận trực tiếp công việc của chức danh trưởng tàu hàng hoặc phó trưởng tàu khách phụ trách an toàn.

Đối với trưởng tàu hàng phải có thời gian ít nhất 01 năm đảm nhận trực tiếp công việc của chức danh trưởng đồn hoặc có thời gian thử việc theo quy định của pháp luật về lao động với chức danh trưởng tàu hàng hoặc phó trưởng tàu khách phụ trách an toàn; đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ trưởng tàu do doanh nghiệp sử dụng chức danh trưởng tàu tổ chức.

Về nhiệm vụ của trưởng tàu khách, là người chỉ huy cao nhất trên tàu, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự, phục vụ khách hàng, hoạt động của các bộ phận làm việc trên tàu; lập biên bản với sự tham gia của người làm chứng về các trường hợp sinh, tử, bị thương, các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra trên tàu theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý bằng đường sắt, các quy định khác của pháp luật và của doanh nghiệp sử dụng chức danh trưởng tàu...

Nhiệm vụ của trưởng tàu hàng, là người chỉ huy cao nhất trên tàu hàng, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự, phục vụ khách hàng; bảo đảm chạy tàu theo đúng lịch trình và mệnh lệnh của điều độ chạy tàu, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, tín hiệu đường sắt, quy trình chạy tàu và công tác dồn đường sắt; lập biên bản với sự tham gia của người làm chứng về các trường hợp sinh, tử, bị thương, các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra trên tàu theo quy định của pháp luật...

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018.

3. Thông tư 35/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành kèm theo Định mức kinh tế kỹ thuật hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải.

Theo đó, tạm dừng hoạt động tìm kiếm cứu nạn khi đã tiến hành dài ngày nhưng vẫn chưa phát hiện thấy phương tiện, nạn nhân mất tích… nhưng xuất hiện các yếu tố như: Phương tiện phối hợp tham gia hoặc phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn bị hỏng hóc, sự cố; cạn kiệt dầu nước, lương thực thực phẩm; nhân viên, thuyền viên trên tàu quá mệt mỏi; điều kiện thời tiết không thuận lợi…

Các mức quy định trong định mức này là mức cao nhất có thể áp dụng để bảo đảm chất lượng tuyệt đối hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, các cơ quan đơn vị cần nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi để áp dụng các mức thấp hơn.

Việc áp dụng định mức này để xây dựng dự toán, kế hoạch cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên nguyên tắc không được cao hơn dự toán, kinh phí cấp hằng năm trước đó trừ các trường hợp phát sinh do nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/7/2018.

Nội dung của các Nghị định, Thông tư nêu trên được đăng tải trên trang Công báo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ: http://congbao.thuathienhue.gov.vn, hoặc tại Website của Bộ Giao thông vận tải, địa chỉ:  http://www.mt.gov.vn/vn.

Sở Giao thông vận tải xin thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết triển khai thực hiện.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.896.385
Truy cập hiện tại 375