Tìm kiếm tin tức

 

Giao ban An toàn giao thông trực tuyến 6 tháng đầu năm 2009
Ngày cập nhật 22/07/2009
  • Bộ trưởng, Chủ tịch UBATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng chủ trì hội nghị.
  • 6 tháng TNGT giảm, 33 địa phương giảm số người chết.
  • Tổ chức Tháng ATGT với chủ đề “Văn hóa giao thông”.

               

Ảnh: Bộ trưởng, Chủ tịch UBATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng chủ trì giao ban ATGT trực tuyến

     Ngày 17/7 Ủy ban ATGT Quốc gia đã tiến hành sơ kết đánh giá công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2009. Điều đặc biệt là hội nghị giao ban được tiến hành theo phương thức cầu truyền hình trực tuyến tại 2 địa điểm, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại đầu cầu Hà Nội chủ trì Hội nghị là Chủ tịch UBATGT Quốc gia, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng; đến dự hội nghị có đồng chí Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công an, Văn phòng UBATGT Quốc gia cùng các đồng chí đại diện cho các ban ngành, đoàn thể; đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ GTVT và các Ban ATGT các tỉnh từ Cao Bằng đến Đà Nẵng. Về phía đầu cầu TP Hồ Chí Minh, đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT ủy viên Thường trực UBATGT Quốc gia Lê Mạnh Hùng chủ trì, cùng dự có Ban ATGT các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau. Đây là lần đầu tiên UBATGT Quốc gia tiến hành giao ban trực tuyến.

     Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2009 các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo TTATGT, vì vậy tình hình TTATGT vẫn giữ ổn định, trong điều kiện phương tiện giao thông tiếp tục tăng. TNGT giảm nhẹ cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương; tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bước đầu được kiềm chế.

     Một số giải pháp về tổ chức giao thông đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó còn có hạn chế là chưa đạt chỉ tiêu đề ra là giảm 5% số người chết, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là TNGT liên quan đến xe ô tô chở khách, đò ngang ở đường thủy, tai nạn đường ngang đường sắt.

     Quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy thực hiện chưa tốt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, buổi tối ở đô thị; một số nơi xử phạt chưa nghiêm. Tình trạng thanh niên điều khiển mô tô lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép còn diễn ra phức tạp tại một số địa phương chưa ngăn chặn hiệu quả, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

     Việc triển khai giai đoạn II của Quyết định 1856/QĐ-TTg chưa thực hiện tốt ở một số địa phương, tình trạng tái lấn chiếm tại những điểm đã giải tỏa có xu hướng tăng trở lại. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT tuy có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đến với mọi người dân, nhất là đối với thanh niên, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

     Theo báo cáo của ủy ban ATGT quốc gia trong 6 tháng, toàn quốc xảy ra 6.231 vụ TNGT, làm chết 5.827 người, bị thương 3.975 người. So với 6 tháng đầu năm 2008, giảm 231 vụ (-3,6%), giảm 94 người chết, giảm 303 người bị thương (-7%).

     Đường bộ xảy ra 5.867 vụ, chết 5.597 người, bị thương 3.828 người, so với cùng kỳ 2008: giảm 209 vụ (-3,4%), giảm 129 người chết (-2,4%), giảm 292 người bị thương (-7,1%).

     Đường sắt xảy ra 232 vụ, làm chết 99 người, bị thương 137 người. So với 6 tháng đầu năm 2008, tăng 22 vụ (10,5%), tăng 10 người chết (11,2%) tăng 03 người bị thương (22,2%).

     Đường thủy xảy ra 111 vụ TNGT làm chết 125 người, bị thương 10 người. So với cùng kỳ năm 2008 giảm 38 vụ (-25,5%), tăng 36 người chết (40%), giảm 11 người bị thương (-47,6%).

     Hàng hải xảy ra 21 vụ TNGT làm chết 6 người, so với cùng kỳ 2008 giảm 6 vụ (-22,2%), giảm 11 người chết (-64,7%), giảm 3 người bị thương (-100%).

     Trong 6 tháng đầu năm có 33 địa phương giảm số người chết vì TNGT so với cùng kỳ 2008. Các địa phương giảm nhiều nhất là Quảng Ninh giảm 45,8%, Lai Châu giảm 33,3%, Vĩnh Phúc giảm 32,1%, Bạc Liêu giảm 31%, Ninh Thuận giảm 29,1%, Tuyên Quang giảm 25,8%, Ninh Bình giảm 22,4%, Lâm Đồng giảm 21,7%; 05 địa phương không tăng không giảm; 25 địa phương tăng về số người chết vì TNGT, tăng cao nhất là Phú Thọ 44,9%, Hòa Bình 41,7%, Hà Giang tăng 39,1%, Kiên Giang tăng 36,8%, Hải Dương tăng 33,3%, Lào Cai tăng 29,6%, Thanh Hóa tăng 27,1%. Nguyên nhân gây TNGT là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông kém, vi phạm diễn ra phổ biến. Những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TTATGT ở các lĩnh vực đăng kiểm, đăng ký phương tiện, đào tạo sát hạch lái xe, tuần tra kiểm soát, hạ tầng giao thông, quản lý vận tải và quản lý đội ngũ lái xe chậm được khắc phục, hoặc khắc phục chưa triệt để.

     Ùn tắc giao thông kéo dài xảy ra nghiêm trọng, đã xảy ra trên 100 vụ trên 1 giờ, tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm 2008. Đáng chú ý có những vụ kéo dài hàng chục giờ do TNGT, sự cố giao thông chậm được khắc phục. Nguyên nhân do phương tiện cơ giới đường bộ tăng cao, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, quỹ đất dành cho giao thông đô thị ở các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh quá thấp, thi công các dự án giao thông, điện, nước tràn lan, không đồng bộ, thời gian thi công kéo dài, không có biện pháp tổ chức thi công, phân luồng giao thông không hợp lý. Bên cạnh đó, do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa nghiêm, còn tùy tiện dẫn đến ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng.

     Trong 6 tháng đầu năm các Bộ GTVT, Công an, UBND, Ban ATGT các tỉnh đã có kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác bảo đảm TTATGT. Tạo được sự đồng thuận quyết tâm từ Trung ương đến các địa phương, do đó trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, kỳ thi đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đã không xảy ra các TNGT nghiêm trọng, giao thông thuận lợi, tạo được dư luận tốt. Tuy nhiên công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật về TTATGT còn chậm, chưa kịp tiến độ. Nguyên nhân do phải thực hiện một số quy định mới về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 và Nghị định hướng dẫn thi hành. Mặt khác để tạo dư luận đồng thuận trong xã hội nhằm thực hiện việc thông tin đại chúng như tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi và thu được kết quả tốt, như Hội thảo giới thiệu, ứng dụng thiết bị hộp đen ghi tốc độ, định vị giám sát hoạt động gắn trên ô tô kinh doanh vận tải, Hội thảo “Rượu bia với TNGT”, hội thảo quốc tế về thực hiện đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy…

     Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành thường xuyên liên tục. Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Luật GTĐB và triển khai công tác tuyên truyền phổ biến Luật, Hội nghị trực tuyến về phổ biến Luật GTĐB. Bộ Công an đã chỉ đạo việc tập huấn triển khai Luật GTĐB và các văn bản hướng dẫn của Bộ cho các đơn vị và Công an các địa phương. ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động cuộc thi tìm hiểu Luật GTĐB 2009 với hình thức sân khấu hóa với 3 chủ đề Nông dân, Thanh thiếu niên với ATGT, lái xe với ATGT và đạo đức nghề nghiệp…

     Lực lượng CSGT trực tiếp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 427.081 lượt cán bộ, học sinh, sinh viên, lái xe và nhân dân. Tổ chức 32 cuộc thi tìm hiểu về ATGT, in 5 vạn cuốn tài liệu tuyên truyền về Luật GTĐB và 4 loại tờ rơi số lượng 390 ngàn tờ với các nội dung: Hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông, an tòan cho người đi mô tô, xe máy, chấp hành quy định về tốc độ là bảo đảm ATGT cho chính mình. Lực lượng TTGT đã tiến hành trên 600 buổi tuyên truyền nơi công cộng, vận động 37.030 lượt người ký cam kết chấp hành pháp luật về TTATGT, in phát gần 5 vạn tờ rơi, áp phích tuyên truyền tại các nơi công cộng. Về đường thủy tập trung tuyên truyền các quy định an tòan về bến khách ngang sông, phương tiện, vận động người đi đò mặc áo phao.

     Trong 6 tháng lực lượng CSGT đường bộ đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đảm bảo TTATGT; cưỡng chế thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy nhằm duy trì kết quả đã đạt được. Tập trung xử lý theo các chuyên để như: xe ô tô chở khách quá số người quy định, xe mang biển số Lào vi phạm, xe buýt vi phạm trên địa bàn Hà Nội… đồng thời tiếp tục thực hiện đổi mới hình thức tuần tra kiểm soát, các công cụ hỗ trợ để phát hiện vi phạm. Trong 6 tháng CSGT đường bộ đã kiểm tra xử lý 2.484.231 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước 589,1 tỷ đồng, tước 77.634 giấy phép lái xe, tạm giữ 10.275 xe ô tô, 368.869 xe môtô, xe gắn máy, xử lý theo chuyên đề xe chở khách 59.729 (trong đó có 11.665 xe chở quá số người quy định), 351.768 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Lực lượng CSGT đường thủy đã xử lý 97204 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước gần 44,5 tỷ đồng. TTGT đã tiến hành 15.129 cuộc thanh kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 35.170 vụ vi phạm TTATGT, ra quyết định xử phạt 33.928 trường hợp, đình chỉ 25 bến đò ngang không đảm bảo an toàn.

     Cục Đường bộ đã cấp giấy phép đầu tư xử lý 54 điểm đen và các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT với kinh phí gần 31,5 tỷ đồng. Thực hiện giai đoạn II của Quyết định 1856/ QĐ-TTg đã vận động tổ chức vi phạm tự tháo dỡ hơn 16 ngàn trường hợp, cưỡng chế hơn 8 ngàn trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Đối với hành lang đường sắt và đường bộ đã chuyển đổi được 97 đường ngang không có rào chắn sang đường ngang có cảnh báo tự động và tiếp tục tổ chức cảnh giới gần 200 vị trí đường ngang và đường dân sinh nguy hiểm.

     Trong 6 tháng ngành GTVT đã cấp được 125.003 GPLX ô tô các hạng và 761.895 GPLX môtô, cấp 134.847 bằng, chứng chỉ cho người điều khiển; trong đó cấp chứng chỉ chuyên môn cho khoảng 82% số người điều khiển đò ngang. Công an 63/63 tỉnh thành đã thực hiện phân cấp đăng ký xe môtô cho cấp huyện với 451/684 huyện; trong đó có 16 địa phương đã thực hiện phân cấp triệt để cho 100% huyện, 47 địa phương thực hiện phân cấp cho một số huyện. Toàn quốc đăng ký mới 81.808 ôtô, 1.195.679 môtô, nâng tổng số phương tiện trên toàn quốc đã đăng ký lên 1.433.453 ôtô, 2.6676.718 môtô; so với năm 2008 ôtô tăng 5,6%, môtô tăng 5,2%.

     Kết luận hội nghị, Chủ tịch ủy Ban ATGT quốc gia, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã tuyên dương các địa phương Quảng Ninh, Đồng Tháp, Lai Châu... đã giảm được TNGT, nhắc nhở các địa phương: Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Kiên Giang, Hải Dương để TNGT tăng cao. Trong những tháng còn lại các ban ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật GTĐB; chuẩn bị tuyên truyền cho các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GTĐB, đi sâu vào các chuyên đề “Văn hóa giao thông”, không uống rượu bia, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, thắt dây an toàn ở hàng ghế trước đối với ô tô, áo phao cho học sinh đi đò, phao cứu sinh.

     Về hạ tầng giao thông các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xây dựng cơ bản, khắc phục các điểm đen, chỉ đồng ý xây dựng các đường tránh khi địa phương đầu tư các đường gom, không để tình trạng như hiện nay khi các đường gom đang bị đô thị hóa.

    Bộ trưởng phê bình 2 địa phương là Yên Bái và Cao Bằng chưa thành lập tổ liên ngành về thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương phải rà soát lại công tác quản lý vận tải, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải tư nhân vì trong 6 tháng có 14 vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách do doanh nghiệp tư nhân quản lý. Triển khai các kế hoạch phòng chống lụt bão tập trung cao độ ứng phó với các bất thường của thời tiết đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi trường hợp.

     Tuyên truyền pháp luật về TTATGT, cũng như tuần tra kiểm soát cưỡng chế các vi phạm tạo được điểm nhấn và sự ủng hộ của xã hội vì công tác bảo đảm TTATGT còn phải thực hiện lâu dài.

Theo Khánh Hà - Báo GTVT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.896.385
Truy cập hiện tại 2.462