|
|
|
Công nghệ mới Titan “gối đệm không khí”: Hướng giải quyết nạn khai thác cát lậu Ngày cập nhật 11/01/2008 | Thiết bị Titan – “bộ não” trong dây chuyền nghiền đá thành cát và đá dăm chất lượng cao |
Cuộc hội thảo về “Công nghệ hiện đại sản xuất cát nhân tạo và đá dăm chất lượng cao của Liên bang Nga” do Viện Cơ học ứng dụng, Sở Khoa học Công nghệ và Công ty Tân Đại Lợi vừa phối hợp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đã cung cấp nhiều thông tin mới, giải đáp nhiều thắc mắc trước yêu cầu ứng dụng công nghệ này của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng. Tại hội thảo, Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Mãn, Viện trưởng Viện Cơ học ứng dụng, đã làm hội trường “nóng” lên khi ông dẫn chứng những tài liệu và hình ảnh về tệ nạn khai thác cát tự nhiên ở nhiều địa phương gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể như mỏ cát tại Bắc Đồng Nai đã khai thác 8 triệu m3, vượt gấp 3 lần cho phép và đã bị cơ quan chức năng buộc đóng cửa.
Nhiều vụ khai thác cát như bóc trần lòng sông sâu đến 18m (cho phép chỉ sâu 6m) và sát bờ (quy định cách bờ 20m). Từ đó ông đặt vấn đề rằng với nhu cầu cát vàng làm phục vụ cho phát triển xây dựng cả nước vào khoảng 100 triệu m3/năm (không kể san lấp mặt bằng) thì nguyên liệu này lấy đâu ra khi Nhà nước đã hạn chế và nghiêm cấm khai thác cát ở các dòng sông như các nước tiên tiến trên thế giới từng thực hiện.
Do vậy công nghệ và thiết bị mới Titan quay trên “gối đệm không khí” nghiền đá thành cát nhân tạo và đá dăm chất lượng cao (có độ tròn như sỏi) của Tập đoàn New – Technologies (Nga) đã mở ra khả năng giải quyết triệt để nạn khai thác cát tự nhiên nhằm chống sạt lở bờ sông và bảo vệ tốt môi trường sinh thái ở lưu vực. Tiếp đến kỹ sư Phan Phùng Sanh, Hội Khoa học kỹ thuật Xây dựng TPHCM, nhấn mạnh đến việc chống sạt lở bờ sông ở nước ta là vô cùng tốn kém và hiện nay không còn là nguy cơ nữa mà đã trở thành… họa rồi.
Cho nên không chỉ để các doanh nghiệp tự mình loay hoay, bươn chải giải quyết vấn đề cát xây dựng mà bộ, ngành chức năng phải vào cuộc. Núi đá, mỏ đá ở nước ta rất phong phú và có thể biến nó thành cát xây dựng thay cho cát tự nhiên bằng cách nhanh chóng tạo điều kiện cho công nghệ và thiết bị mới Titan phát triển. Mới đây, báo SGGP số ra ngày 9-11 có bài viết “Sông Sài Gòn… không yên tĩnh” phản ánh tình trạng khai thác cát lậu về đêm trên dòng sông này dường như bất trị. Điều này cho thấy đã đến lúc phải xử lý mạnh và triệt để nạn khai thác cát bất hợp pháp nhưng phải đi đôi với việc giải quyết bài toán “khát cát” bằng công nghệ, thiết bị mới.
Hội thảo thu hút nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp chuyên ngành xây dựng, trong đó điều họ quan tâm nhất về chất lượng và hiệu quả kinh tế giữa sử dụng máy nghiền Titan quay trên “gối đệm không khí” so với máy nghiền côn dùng ổ đỡ vòng bi? Là đại diện cho Tập đoàn sản xuất máy nghiền sàng đá OAO Drobmash (Nga) tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Chánh, Giám đốc CT Tân Đại Lợi, cho biết các kết quả kiểm nghiệm cho thấy việc sử dụng máy nghiền Titan có nhiều ưu điểm hơn hẳn: có khả năng sản xuất cát nhân tạo (0 – 5mm) tối đa đến 78% (máy nghiền ổ đỡ vòng bi không quá 30%); chống bụi hiệu quả, rẻ tiền để bảo vệ sức khỏe công nhân; an toàn và tuổi thọ cao; chi phí sản xuất rẻ gần 10 lần trong cùng một điều kiện như nhau… Cát nghiền từ đá có ưu điểm vượt trội do giảm được 10% xi măng trong cùng một mác bê tông so với cát tự nhiên. Các công trình sử dụng đá dăm do Titan sản xuất cũng có độ bền vững tăng gấp 2, 3 lần.
Một câu hỏi được nhiều người dự hội thảo rất quan tâm là: Có thể chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị Titan tại Việt Nam để giá thành rẻ hơn được không? Ông Lisitca Andrey Vasilevich, Giám đốc thương mại của Tập đoàn New – Technologies, vui vẻ thông báo rằng: thiết bị công nghệ nghiền va đập tiên tiến nhất thế giới hiện nay của Nga mang tên Titan đang tham gia xây dựng các công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Đồng Nai 4, sản xuất cát và đá dăm chất lượng cao tại mỏ đá ở Bình Dương và còn nhiều công trình thủy điện khác ở Việt Nam cần đến cát nhân tạo để thi công công nghệ “bê tông đầm lăn” đang được thương thảo hợp đồng. Do vậy chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và sản xuất từng phần thiết bị Titan tại Việt Nam nếu có thể nhằm góp phần giảm giá thành sản xuất. Hy vọng thiết bị công nghệ mới này sẽ được sử dụng phổ biến nhằm góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam. Theo SGGP Các tin khác
|
| Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.015.864 Truy cập hiện tại 637
|
|