Tìm kiếm tin tức

 

Tổng kết công tác năm 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021
Ngày cập nhật 08/01/2021

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV của tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do xảy ra đại dịch Covid - 19 và thiên tai, bão lụt. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Bộ GTVT và sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị chức năng, tập thể lãnh đạo Sở đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, năm 2020 ngành Giao thông vận tải cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành như: tham mưu đề xuất nhiều nội dung quan trọng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông; công tác quản lý vận tải; công tác thẩm định công trình giao thông được nâng cao; công tác kiểm định phương tiện, đào tạo - sát hạch cấp giấy phép lái xe tiếp tục được thực hiện tốt; ngoài ra, ngành cũng đã tích cực tham gia công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (như trong việc tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, tham gia tích cực phối hợp với các lực lượng trong công tác phòng chống covid-19). Tuy nhiên, trong năm qua việc triển khai một số nhiệm vụ còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 và thiên tai, bão lũ.

Trên tinh thần chủ động, cùng với sự nổ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất cao để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Hôm nay ngành Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 cụ thể như sau:

I. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm 2020:

1. Công tác cải cách hành chính:

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được Lãnh đạo Sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện, căn cứ vào các kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính của tỉnh, ngay từ đầu năm Sở đã xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện. Qua đó, đã thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ và yêu cầu kế hoạch đặt ra.

- Trong năm 2020, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các Quyết định công bố Danh mục thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và thay thế thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải. Các thủ tục hành chính được công khai kịp thời tại nơi giao dịch của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên Trang thông tin điện tử của Sở và Cổng thông tin thủ tục hành chính của tỉnh.

- Từ đầu năm đến nay, đã bổ nhiệm 02 trường hợp (Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Sở), bổ nhiệm lại 01 trường hợp (Phó Chánh Thanh tra Sở), các trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được thực hiện theo đúng quy định; thực hiện Kế hoạch số 210/KH-SGTVT ngày 20/02/2020 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức năm 2020. Qua đó, đã cử 18 lượt người tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động được đẩy mạnh: 100 % công việc được giải quyết, quản lý qua hồ sơ công việc, tình trạng sử dụng văn bản giấy đã được hạn chế đến mức tối đa; 100% cán bộ, công chức, viên chức có hộp thư công vụ và thường xuyên sử dụng trong xử lý công việc, trong năm đã tổ chức 05 đợt tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 (42/105 TTHC, trong đó: 16 TTHC thực hiện ở mức độ 3, 26 TTHC thực hiện ở mức độ 4); Trang thông tin điện tử của Sở ngày càng được đổi mới và cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện TTHC giúp cho người dân dễ dàng tìm hiểu các thông tin liên quan.

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở đã phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm tốt công tác tiếp nhận và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; các phòng chuyên môn đã thụ lý và giải quyết đầy đủ bảo đảm thời gian và quy trình thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận: 50.995 hồ sơ (trực tuyến: 2.803 hồ sơ), các hồ sơ được giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn.

- Việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Các phòng thường xuyên rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời vào các quy trình phù hợp với các văn bản pháp luật hướng dẫn hiện hành.

* Việc triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch, xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:

- Trong năm 2020, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo các quy định sau:

+ Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy định quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

+ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh và Quy định về quản lý đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh và quốc lộ ủy thác trên địa bàn tỉnh.

+ Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 31/2012/QĐ-UBND về Quy định tạm thời về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy định về quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Ngoài ra, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch:

+ Quyết định phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện Đề án “Tối ưu hóa hành trình các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các tuyến cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Giai đoạn 2)”.

+ Đề án “Tổ chức và quản lý hệ thống đường giao thông và đèn tín hiệu giao thông thành phố Huế và vùng phụ cận”.

+ Điều chỉnh quy hoạch tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc Đề án Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

+ Kế hoạch triển khai Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy  định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

+ Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động trong ngành giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Về công tác quản lý vận tải, xếp dỡ, đăng ký, đăng kiểm:

Trong năm qua tình hình dịch bênh bùng phát trên toàn cầu nói chung, nước ta nói riêng đã làm cho nền kinh tế bị trì trệ, trong đó ngành vận tải đã bị ảnh hướng lớn, sản lượng vận tải của tỉnh ta đã giảm hơn 55%, công tác quản lý vận tải càng gặp nhiều khó khăn hơn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ y tế, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Giao thông vận tải đã nỗ lực tập trung triển khai phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải, hạn chế sự lây lang dịch bệnh vào tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Sở đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, xử lý hồ sơ, cấp phép đúng thời gian, chất lượng, không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại, phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị như: bến xe; bến thuyền; các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải  xử lý tốt các thắc mắc, tranh chấp của doanh nghiệp, HTX, không để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.

- Công tác quản lý nhà nước tại các bến xe được nâng cao, các hành vi vi phạm được xử lý nghiêm, giữ vững trật tự vận tải trên tuyến, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực bến; công tác phục vụ nhân dân trong các ngày Lễ, Tết, mùa tuyển sinh được đảm bảo. Tổng số bến liên tỉnh, nội tỉnh đã được công bố: 06 bến, gồm: Bến xe phía bắc thành phố Huế, Bến xe phía nam thành phố Huế, Bến xe huyện Quảng Điền, Bến xe Vinh Hưng (huyện Phú Lộc), Bến xe Đông Ba, Bến xe A lưới (huyện A Lưới)

- Tổng số luồng tuyến vận tải: 70 tuyến, trong đó: Liên tỉnh: 38 tuyến; nội tỉnh: 25 tuyến; liên vận quốc tế: 7 tuyến.

- Trong năm qua đã chú trọng tăng cường chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, trong đó, chuyển tuyến cố định Huế- Đà Nẵng thành xe buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng. Đặc biệt, đã tổ chức đấu thầu thành công 5 tuyến xe buýt có trợ giá chuyển sang không trợ giá và nâng cao chất lượng phục vụ (100% xe mới), tạo phấn khởi cho ngươì dân đi xe buýt trên địa bàn. Tuy nhiên, năm qua do sự  bùng phát của dịch bệnh, thiên tai, hoạt động xe buýt đã bị giảm sút, khối lượng vận chuyển đạt 725.127 lượt khách, giảm 52% so với năm 2019 (1.510.682 lượt khách).

- Công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ: Đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm định an toàn kỹ thuật phư­ơng tiện theo quy trình quy phạm, không cho l­ưu hành các phương tiện không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi tr­ường. Số phương tiện đã đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận 30.858 lượt xe, tăng 6,4% so với năm 2019.

- Công tác xếp dỡ: Tổng sản lượng hàng hóa, hành khách thông qua cảng biển: hàng hóa đạt 2.510.120 tấn, giảm 16,8% so với năm 2019; hành khách 43.629 người, giảm 51,6% so với năm 2019.

3. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe:

- Trong năm qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe tiếp tục được tăng cường quản lý. Đặc biệt công tác sát hạch, cấp mới, đổi mới giấy phép lái xe ngày càng đi vào nề nếp. Ngoài ra để nâng cao chất lượng hơn nữa trong công tác cấp đổi GPLX, Sở cũng đã triển khai cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 3 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện cho người dân ở tại nhà vẫn đăng ký đổi GPLX qua mạng bằng cách hệ thống cho phép công dân nhập thông tin và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến bộ phận cung cấp dịch vụ Sở GTVT, sau khi được xác nhận lịch hẹn chỉ phải đến 1 lần tại Sở GTVT hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để được cấp GPLX sau 2-3 giờ (trong năm 2020, đã tiếp nhận 57 hồ sơ trực tuyến).

- Công tác quản lý đào tạo lái xe: Đã kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất công tác đào tạo, tổ chức thi tốt nghiệp cấp chứng chỉ nghề, chứng nhận tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo.

- Đã tổ chức 57 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô và 182 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái mô tô; đã cấp 44.345 GPLX các hạng, trong đó: cấp mới 32.293 GPLX các hạng; cấp đổi 12.052 GPLX các hạng.

4. Về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý vốn:

a) Vốn sự nghiệp địa phương:

- Về đường bộ:

+ Vốn sự nghiệp giao thông năm 2020 được bố trí với tổng mức 75,272 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ công tác bảo trì và sửa chữa vừa 620 km các tuyến đường tỉnh quản lý, đến nay đã giải ngân 100%.

+ Nguồn vốn sự nghiệp địa phương đã thực hiện đúng mục tiêu, đúng địa chỉ và mang lại hiệu quả thiết thực.

+ Từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, ngành Giao thông vận tải đã tiến hành đấu thầu đối với công tác bảo trì hệ thống đường tỉnh với thời gian ổn định đến 31/12/2020.

+ Trong năm 2020 đã tổ chức đấu thầu 9 gói thầu (trong đó có 09 gói thầu đấu thầu qua mạng, đạt tỷ lệ 100% số gói => đúng và vượt lộ trình theo chỉ đạo của Bộ, của Tỉnh).

+ Quốc lộ 49B Trung ương ủy thác cho Sở quản lý, công tác duy tu được triển khai, đảm bảo êm thuận.

+ Các QL1A, 49A do Trung ương quản lý trên địa bàn, Sở cũng đang phối hợp tốt, kịp thời đề xuất giải quyết những tồn tại nãy sinh, kịp thời phục vụ êm thuận cũng như ATGT trên các tuyến đường.

- Về đường thủy nội địa: Được sự quan tâm của các cấp đưa vào quản lý và khai thác hệ thống đường thủy nội địa của Trung ương cũng như của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; hiện tại đã công bố đưa vào khai thác và quản lý 338,45 km trên tổng số 560 km đường thuỷ trên toàn tỉnh. Trong đó các tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 153,6 km (phá Tam Giang và Sông Hương) và các tuyến đường thủy nội địa địa phương là 184,85 km; vốn địa phương được bố trí trong năm 2020: 5,797 tỷ đồng, đến nay khối lượng đã thực hiện đạt 100% kế hoạch.

- Nguồn vốn sự nghiệp địa phương đã thực hiện đúng mục tiêu, đúng địa chỉ và mang lại hiệu quả thiết thực; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về quản lý nguồn vốn sự nghiệp, Sở đã tiến hành tổ chức tốt việc đấu thầu công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường tỉnh và đường thủy nội địa nên hệ thống đường bộ và đường thủy nội địa địa phương luôn luôn đảm bảo an toàn, êm thuận và thông suốt tốt hơn. Vì vậy, trong năm qua đáp ứng tốt cho hoạt động của phương tiện bộ và phương tiện thủy trong các tình huống.

b) Về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn:

- Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn thời gian qua được quan tâm đầu tư, hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, cho đến nay, chưa thấy xuất hiện tình trạng huy động quá mức sức đóng góp của nhân dân trong xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, một số tuyến được đầu tư quá hẹp lại chưa quản lý tốt chỉ giới xây dựng, vì vậy sau khi thi công xong, ô tô đi lại vẫn khó khăn.

- Hiện nay, Sở đang phối hợp với Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng 15 cầu dân sinh với tổng kinh phí 49 tỷ đồng và cải tạo, nâng cấp 37km đường giao thông nông thôn với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng; dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2016, thời gian thực hiện từ 2016 - 2021.

c) Hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh: 

Hiện nay, bộ máy hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ địa phương không còn, nhưng mô hình đang kiêm nhiệm nên không có biến động về nhân sự.

d) Tình hình thực hiện một số dự án giao thông lớn trên địa bàn:

- Công tác quy hoạch, dự án:

+ Đối với Dự án tuyến đường ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tuyến đường ven biển (theo Quyết định số 3130/QĐ-UBND ngày 14/12/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) và đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường ven biển dài 25,5km gồm 3 đoạn và cầu qua cửa Thuận An với kinh phí khoảng 3.496 tỷ. 

+ Đã tích cực phối hợp Bộ Giao thông vận tải; Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung 03 tuyến quốc lộ theo hướng Đông - Tây vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

          + Đã lập và trình chủ trương đầu tư 20 dự án được UBND tỉnh giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 , đạt 100% theo đúng thời hạn.

- Công tác thẩm định Dự án: Tổ chức thực hiện tốt, được các chủ đầu tư đánh giá cao về tiến độ, chất lượng giải quyết hồ sơ, không nợ cũng như chậm trễ hồ sơ nào.

- Công tác phối hợp thực hiện:

          + Ngành đã chủ động kết nối với Bộ GTVT để lãnh đạo tỉnh làm việc với đồng chí Bộ trưởng về Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài, hiện Dự án đã bàn giao giải phóng mặt bằng nhà ga T2.

          + Đới với các dự án khác do Trung ương đầu tư như: Cao tốc Cam lộ - Túy Loan, Hầm đường bộ Hải Vân, Sở đã chủ động tiếp cận, nghiên cứu ngay từ khi dự án đang được chuẩn bị đầu tư để kịp thời tham mưu phương án hướng tuyến, giải pháp kỹ thuật, quy mô đầu tư phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

          + Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua Thừa Thiên Huế theo hình thức BOT: Dự án đã hoàn thành cơ bản, đã tiến hành thu phí từ 01/01/2016, đã được quyết toán. Tình hình an ninh, chính trị và an toàn xã hội tại khu vực Trạm thu phí vẫn đảm bảo; Hiện nay, đang giai đoạn vận hành khai thác: Công tác bảo trì luôn được đảm bảo; đã lắp đặt thiết bị thu phí tự động theo chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND tỉnh, đạt 100% cho 6 làn xe - 2 bên, nhưng trước mắt khai thác 4 làn tự động, 2 làn không tự động (đã bố trí thiết bị), vì số lượng xe chưa gắn chíp còn nhiều; CSGT tỉnh, Thanh tra Sở GTVT, cùng các địa phương, nhà đầu tư đã ký cơ chế phối hợp giải quyết ùn tắt giao thông, trong đó xây dựng các kịch bản ùn tắt giao thông qua 2 trạm thu phí và phương án gải quyết; UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý cho BOT Trùng Phương.

+ Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Thực hiện Quyết định 1828/QĐ-UBND ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh giao cho Sở GTVT làm Chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn; Đây là một công việc khó, phức tạp với tiến độ rất gấp nhưng đã tích cực phối hợp với Ban QLDA đường HCM và các địa phương thực hiện tốt công tác đền bù và bàn giao mặt bằng theo kế hoạch. Mặc dù thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2019, nhưng đến nay đã bàn giao 65,6km /66,4km đạt 98,8% còn lại 0,8km. Nguyên nhân kinh phí bồi thường hỗ trợ di dời, xây dựng tái định cư còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của công tác di dời của địa phương, hiện mới cấp được 345tỷ/551 tỷ; Bộ GTVT hiện mới thống nhất 434 tỷ tại Quyết định số 1710/QĐ-BGTVT ngày 31/8/2020.

+ Quốc lộ 49B: Dự án nâng cấp, mở rộng QL49B đoạn Thuận An-Tư Hiền-QL1 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3114/QĐ-BGTVT ngày 29/10/2010 với nội dung nâng cấp mở rộng khoảng 47,8km QL49B (Từ Km53+400 - Km104+800), nền đường rộng 9.0m; mặt đường rộng 7.0m, tổng mức đầu tư 762 tỷ đồng. Dự án đã được triển khai và hoàn thành gói thầu đầu tiên (Km73+500 - Km83+500) dài 10km; hiện gói thầu thứ hai dài gần 10km từ Vinh Hưng về đến cầu Tư Hiền (Km83+500 - Km92+164) cũng đã hoàn thành hơn 95% khối lượng. Sở đang tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải để được bổ sung vốn hoàn thành gói thầu này đưa vào khai thác trong năm 2021.

+ Đường cao tốc La Sơn - Nam Đông: Cơ bản đã hoàn thành, hiện chỉ còn công tác hoàn thiện.

5. Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông:

5.1. Công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ:

- Hiện nay, Sở GTVT đang quản lý 620km đường tỉnh, 105km tuyến quốc lộ 49B được ủy thác, 338,45km tuyến đường thủy nội địa, 106 bến cảng hàng hóa và hành khách. Ngoài ra, Sở GTVT còn thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao ủy quyền thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 35km tuyến QL1 thuộc dự án BOT mở rộng QL1.

- Năm nay thời tiết tương đối khó khăn cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và thi công nâng cấp đường bộ.

- Tiến độ thực hiện công trình: đến nay, đã hoàn thành nâng cấp 100% nguồn vốn kế hoạch giao (kể cả trung ương và địa phương) với các công trình tiêu biểu:

+ Nâng cấp 11km tuyến QL49B bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ trung ương.

+ Nâng cấp hơn 31km đường tỉnh với mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng rộng 5,5m, nền đường 6,5m, bổ sung hệ thống ATGT: biển báo, cọc tiêu, sơn tim đường; các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn đã cơ bản được nâng cấp khang trang, an toàn.

+ Tập trung giải quyết điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT trong 3 năm qua được 53/64 điểm (còn lại 11 điểm cần kinh phí GPMB khoản 21 tỷ, chưa được ghi vốn)

5.2. Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý hạ tầng giao thông:

- Ứng dụng các kết quả của dự án GISHue, Sở GTVT đã triển khai giải pháp “quản lý, kiểm tra, giám sát và bảo trì công trình giao thông trên nền GIS và thiết bị di động”, qua đó các cán bộ kỹ thuật, giám sát, tuần đường dùng phần mềm Govone cài đặt trên điện thoại di động có thể thu thập, cập nhật thông tin tình trạng cầu, đường; hỗ trợ và ghi chép quá trình ra quyết định sửa chữa, bảo trì, nâng cấp hạ tầng đường bộ. Sau khi tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị quản lý đường bộ, Sở GTVT đã yêu cầu thực hiện tuần đường tất cả các tuyến đường tỉnh, QL49B, QL1 bằng điện thoại di động thông minh và cập nhật ở máy tính từ năm 2018 đến nay. Số lượng dữ liệu tiếp nhận rất nhiều (trên 20 vụ việc mỗi ngày, hơn 600 phản ánh mỗi tháng).

          - Hiện nay các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ: Công ty CP Đường bộ I, Công ty CP QLĐB & XDCT, Công ty TNHH Trùng Phương đều có dữ liệu hàng trăm lượt cập nhật hàng ngày.

5.3. Công tác xử lý thông tin phản ánh hiện trường:

Năm 2020, Sở GTVT đã xử lý trên 350 thông tin phản ánh từ hệ thống phản ánh hiện trường của UBND tỉnh. Thuộc nhóm các đơn vị có khối lượng phản ánh nhiều. Quá trình xử lý có phân công cán bộ tiếp nhận, xử lý hiện trường, lập văn bản trao đổi và trả lời đúng thời hạn 100% phản ánh. Có nhiều phản ánh được người dân chấm điểm “hài lòng”.

5.4. Công tác an toàn giao thông, xử lý điểm đen và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông:

Để kiềm chế và từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông, Sở GTVT luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của ngành. Trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống đường bộ đã được nâng cấp đáng kể, hầu hết đã được nhựa hóa, hoặc bê tông hóa, kể cả đường giao thông nông thôn, nhiều cầu lớn được xây dựng, việc đi lại của nhân dân đã dễ dàng hơn trước nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hệ thống hạ tầng thì phương tiện giao thông và tai nạn giao thông cũng tăng theo. Trong năm qua, Sở đã trực tiếp và phối hợp với Ban ATGT tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu, trình cho Lãnh đạo các cấp xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, hiện nay, theo chỉ đạo của đc P. Chủ tịch đã tiến hành rà soát, sẽ nghiên cứu báo cáo cụ thể cách thức triễn khai thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành liên quan đối với QL1A qua địa bàn Phú Lộc…

6. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng:

- Theo định hướng của Thanh tra Bộ GTVT và xử lý chồng chéo của UBND tỉnh theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Sở đã ban hành Quyết định số 2410/QĐ-SGTVT ngày 20/12/2019 về phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2020. Qua đó, đã tiến hành 05 cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ô tô và các quy định về xếp hàng hoá trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ; xử phạt với tổng số tiền: 43.200.000 đồng, tước quyền sử dụng GPLX và phù hiệu “Xe hợp đồng”, Biển hiệu “Xe du lịch” từ 01 tháng - 03 tháng (06 trường hợp), đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các doanh nghiệp được thanh tra, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu.

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Thanh tra Bộ GTVT và UBND tỉnh. Thanh tra Sở mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách chạy sai luồng, tuyến; dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định; xe vận chuyển hành khách không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định; xử lý phương tiện vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch, opentour trá hình vận chuyển khách như tuyến cố định, dịch vụ xe đi ké (nhất là tuyến Huế - Đà Nẵng, xử lý vi phạm đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ, xe ô tô chở hàng quá tải, quá khổ. Xử lý lập biên bản vi phạm hành chính: 638 trường hợp, chuyển KBNN thu: 1.443.450.000 đồng đồng, tước quyền sử dụng GPLX: 79 trường hợp.

- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông theo Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Chính phủ; Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 20/01/2020 của UBND tỉnh. Trạm KTTTX lưu động đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, công an huyện Phong Điền, Thị xã Hương Trà, Thị xã Hương Trà Hương Thủy… triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lí nghiêm đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép, tập trung kiểm soát tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa, mỏ, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Đến nay, tình trạng xe ô tô chở quá tải trọng cho phép đã giảm so với thời điểm đầu năm 2020, các xe tự ý cải tạo thành thùng đã bị phát hiện và xử lí nghiêm, cơ bản đã cắt trở về nguyên bản theo đúng thiết kế, không còn tình trạng vi phạm nổi cộm hoạt động trên các tuyến góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh được dư luận xã hội, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết quả xử lý: Số xe kiểm tra 1.137 xe, lập biên bản VPHC 175 trường hợp, Chuyển KBNN thu 3.251.900.000 đồng, Tước quyền sử dụng GPLX 113 trường hợp. Đến đây, khi hệ thống camera của tỉnh hoàn thiện, thì hình ảnh xe quá khổ, mất vệ sinh môi trường gởi về các lực lượng chức năng thì chắc chắn sẽ góp phần rất tích cực trọng việc xử lý xe quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng.

- Ngoài ra đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Công an thành phố Huế ra quân đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường thủy nội địa; kiểm tra hoạt động xe trá hình, kinh doanh vận tải hành khách trái phép, bảo đảm trật tự vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh. Kết quả: Lập biên bản 95 trường hợp, chuyển KBNN thu: 193.100.000 đồng; Tước quyền sử dụng GPLX: 57 trường hợp.

- Từ đầu năm đến nay, đã tiến hành 21 cuộc giám sát sát hạch cấp giấy phép lái xe, trong đó: 11 cuộc giám sát sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô; 10 cuộc giám sát sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô. Qua đó, đã xoá bỏ tình trạng dạy mẹo, học mẹo, các dấu hiệu, ám hiệu trên xe sát hạch và trong hình, nâng cao chất lượng trong các kỳ sát hạch, đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, quyết tâm góp phần tích cực trong việc giảm thiểu TNGT.

- Trong năm qua, đã tiếp nhận: 03 đơn. Trong đó: Đơn kiến nghị, phản ánh: Không; Đơn khiếu nại: 01 đơn; Đơn tố cáo: 02 đơn. Kết quả phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: Số đơn thuộc thẩm quyền: Không; Số đơn chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Không; Số đơn trả lại và hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền: Không; Số đơn lưu: 03 đơn.

- Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Lãnh đạo Sở quan tâm, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức phẩm chất người cán bộ, công chức kết hợp các biện pháp quản lý, phòng ngừa, thường xuyên giám sát và nắm bắt các thông tin, dư luận qua công tác chuyên môn nên đến nay chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào, cũng như không có đơn thư tố cáo, phản ánh nào về tham nhũng. Trong dịp Lễ, Tết vừa qua, đơn vị không có trường hợp nào vi phạm các quy định về việc tặng quà và nhận quà.

7. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông:

- Là cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Với quyết tâm chính trị và sự nổ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia và UBND tỉnh, trong năm 2020, tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí so với năm 2019.

- Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 285 vụ tai nạn giao thông, làm chết 149 người, bị thương 216 người (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 67 vụ tai nạn giao thông (giảm 19,03%), giảm 40 người chết (giảm 21,16%, toàn quốc giảm 13%, ta giảm hơn 21%), giảm 65 người bị thương (giảm 23,13%), trong đó:

+ Tai nạn giao thông đường bộ: 281 vụ, làm chết 147 người, bị thương 214 người (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 59 vụ (giảm 17,35%); giảm 35 người chết (giảm 19,23), giảm 64 người bị thương (giảm 23,02%).

+ Tai nạn giao thông đường sắt: 04 vụ, chết 02 người; bị thương 02 người (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 08 vụ (giảm 66,66%), giảm 05 người chết (giảm 71,42%, giảm 01 người bị thương (giảm 33,33%).

+ Tai nạn giao thông đường thủy: Không xảy ra.

8. Công tác thi đua khen thưởng và công tác khác:

- Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-UBND ngày 27/12/2019 của UBND tỉnh về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Kế hoạch số 281/KH-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh về hoạt động của các Khối thi đua năm 2020; Thông báo số 485/TB-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh về việc cử Trưởng khối, Phó Trưởng khối thi đua năm 2020. Sở Giao thông vận tải đã hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch hoạt động của Cụm thống nhất đề ra. Bên cạnh đó các nội dung thường xuyên như ký kết giao ước thi đua của các phòng, đơn vị trực thuộc, phát động phong trào thi đua, tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sáng tạo thường xuyên được duy trì và tổ chức nề nếp. Hội đồng Thi đua, khen thưởng Sở đã họp xét công nhận 98 cá nhân đạt Lao động tiên tiến, 14 tập thể đạt Lao động tiên tiến, 15 cá nhân đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở; Đề nghị tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 02 tập thể: Thanh tra Sở; Phòng Quản lý vận tải và Phương tiện.

- Thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Lãnh đạo Sở và Ban Thường vụ Công đoàn Ngành về việc vận động đóng góp xây nhà “Mái ấm Công đoàn” xóa nhà dột nát, tạm bợ cho công nhân lao động nghèo trong ngành, năm nay đã hỗ trợ cho 02 gia đình công nhân xây nhà với tổng kinh phí 70 triệu đồng.

- Năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra, kéo dài đã khiến cho đời sống của CBCNVC và người lao động trong Ngành gặp nhiều khó khăn. Ngoài sự hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh, Công đoàn Ngành cũng đã chi hỗ trợ 25 triệu đồng cho 50 đoàn viên gặp nhiều khó khăn. Tiếp đến Công đoàn Ngành đã hỗ trợ 50 triệu đồng để khắc phục, sửa chữa nhà ở cho công nhân với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp.

- Trao học bổng cho học sinh giỏi các cấp của các đơn vị trong Ngành năm 2020 với gần 50 triệu đồng.

- Thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phân công giúp đỡ xã nghèo, trong đó Sở GTVT Thừa Thiên Huế - đơn vị đầu mối; Trường Đại Học Luật; Trường Cao đẳng Giao thông Huế được giao nhiệm vụ giúp đỡ xã Hương Nguyên thuộc huyện A Lưới, kết quả đã hỗ trợ khoản 48 triệu đồng (18 triệu đồng hỗ trợ xây 02 nhà vệ sinh; trao quà bút, viết, tiền mặt cho học sinh 30 triệu đồng).

II. Đánh giá kết quả đạt được và một số khó khăn, tồn tại:

1. Kết quả đạt được:

Với sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

- Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành Giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường; việc phối hợp với các Sở, ban ngành và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành Giao thông vận tải, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm TTATGT được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

- Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Giao thông vận tải được triển khai tích cực, bám sát với yêu cầu chỉ đạo của Bộ GTVT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

- Công tác bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

- Công tác quản lý vận tải; công tác thẩm định công trình giao thông được; công tác kiểm định phương tiện, đào tạo - sát hạch cấp giấy phép lái xe tiếp tục được thực hiện tốt.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ứng dụng công nghệ thông tin... tiếp tục được chú trọng, tăng cường, triển khai hiệu quả.

- Công tác xã hội - từ thiện, đền ơn - đáp nghĩa tiếp tục được quan tâm, triển khai thiết thực và hiệu quả.

2. Khó khăn, tồn tại:

Biên chế mỏng, khối lượng công việc nhiều, có nhiều người phải kiêm nhiều vị trí nên việc triển khai một số nhiệm vụ chưa đạt hiệu quả cao như: Công tác thường xuyên theo dõi và phát hiện sớm vi phạm của các phương tiện trong hoạt động kinh doanh vận tải, kịp thời chấn chỉnh thông qua thiết bị GSHT; công tác hậu kiểm, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải sau cấp phép; việc kiểm tra, giám sát công tác đào tạo đối với các cơ sở đào tạo lái xe; công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giám sát chất lượng công trình...

III. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2021:

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Bộ GTVT, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực trong toàn ngành, góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

1. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch và đề án sau:

- Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Đề án “Tối ưu hóa hành trình các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe tuyến nội tỉnh trên địa bàn tỉnh - giai đoạn 2”.

- Đề án quy hoạch hạ tầng xe buýt.

- Quy hoạch đường gom và các đường ngang đấu nối vào các quốc lộ (chưa bố trí kinh phí).

- Quy định về quản lý và bảo trì hệ thống giao thông đường thủy nội địa.

- Đề án “Tổ chức và quản lý hệ thống đường giao thông và đèn tín hiệu giao thông thành phố Huế và vùng phụ cận”.

- Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành ngành Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế”.

2. Về cải cách hành chính:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, cải cách nền công vụ của Sở, nâng cao chất lượng công vụ, phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong năm 2021.

- Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng dự thảo các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

- Tiếp tục chỉ đạo các phòng tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung bộ thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo kế hoạch đề ra.

- Củng cố, hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; không ngừng cải tiến các quy trình, thủ tục hành chính; không để xảy ra tình trạng gây phiền hà, ách tắc trong việc tiếp nhận và trả hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công việc.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở và trong giải quyết các TTHC nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Tiếp tục duy trì, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015.

- Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp.

3. Về công tác quản lý vận tải, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch:

- Tăng cường gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và phối hợp với Hiệp hội vận tải để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý vận tải.

- Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng các loại hình vận tải tuyến cố định, xe hợp đồng, du lịch, xe buýt, xe taxi gắn với duy trì trật tự vận tải.

- Thực hiện nghiêm túc việc kiểm định an toàn kỹ thuật phư­ơng tiện theo quy trình quy phạm; tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

4. Về xây dựng cơ bản và quản lý giao thông:

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn trọng điểm làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế như: dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đường vành đai 3...

- Tiếp tục thực hiện công tác thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo chất lượng đáp ứng tiến độ yêu cầu; tăng cường công tác quản lý đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết không để các nhà thầu có năng lực yếu kém tham gia các dự án của ngành.

- Tăng cường phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác GPMB và triển khai thi công; thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi về chất lượng, tiến độ thi công, công tác đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường đối với các dự án...

- Thực hiện tốt các quy định của Bộ GTVT trong công tác duy tu, bảo dưỡng. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định.

- Tập trung giải quyết các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT đã rà soát, làm việc với các địa phương.

5. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng:

- Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2021.

- Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đường bộ, đường thủy nội địa, điều kiện kinh doanh vận tải… nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe về không sử dụng rượu, bia và các chất gây nghiện (ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới…); Yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện việc ký cam kết với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe với các nội dung trên.

- Tăng cường công tác giám sát sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô.

- Tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng, kích thước thùng xe ngay tại nơi xuất phát, cảng biển, bến thủy nội địa, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô theo chương trình, kế hoạch, chỉ thị của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND tỉnh.

- Tiếp tục phối hợp với các lực lượng Công an kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, thường xuyên, định kỳ tại trụ sở Tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và giải quyết kịp thời đúng pháp luật trong phạm vi, thẩm quyền quản lý.

- Công khai minh bạch trong quy trình giải quyết công việc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, xử lý kịp thời các vi phạm.

6. Công tác khác:

- Phối hợp với các cơ quan và địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí so với năm 2020.

- Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cho người lao động và đẩy mạnh các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội - từ thiện, nhất là công tác tri ân, đền ơn - đáp nghĩa.

- Tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng trên tất cả các mặt công tác, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ các nhiệm vụ công tác trên cơ sở bám sát chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh.

Một số hình ảnh của Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020,triển khai nhiệm vụ 2021

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 1.274