Tìm kiếm tin tức

 

QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ: dự kiến cuối tháng 6/2010 trình Chính phủ.
Ngày cập nhật 18/04/2010

      Đến nay những vấn đề cơ bản nhất như nguồn tài chính cho Quỹ bảo trì đường bộ, phương thức quản lý và sử dụng Quỹ đã cơ bản được cơ quan soạn thảo do Bộ GTVT chủ trì thống nhất đề xuất. Trong đó khoản phí thu qua xăng và thu trên đầu phương tiện sử dụng diesel sẽ là nguồn thu chính được đưa vào Quỹ, do Bộ trưởng Bộ GTVT làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Dự kiến đầu tháng 5/2010 phương án sẽ được đưa ra công khai lấy ý kiến và cuối tháng 6/2010 trình Chính phủ.

Nguồn vốn cho quỹ đường bộ

Theo Tổng Cục ĐBVN, nhu cầu vốn quản lý, bảo trì một năm cho quốc lộ hiện cần 4.770 tỉ đồng, cho đường địa phương cần 5.600 tỉ đồng (chỉ tính cho đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị, chiếm khoảng 44,5% toàn bộ đường địa phương).

Nguồn tài chính này, theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực từ 1/7/2009 vừa qua, được đảm bảo bởi Quỹ bảo trì đường bộ. Điều 49 của Luật quy định rõ: “Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ các nguồn sau đây: a, Ngân sách nhà nước; b, Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật”.

Về khoản "b, các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ" trong đó phí giao thông đường bộ áp dụng đối với xe cơ giới lưu hành trên đường bộ là khoản tài chính lớn nhất của Quỹ, dự thảo Đề án Quỹ bảo trì đường bộ Việt Nam đang được xây dựng đã đưa ra 3 phương án nghiên cứu, trong đó cơ quan soạn thảo đã thống nhất đề xuất phương án 3.

Phương án 3 được cho là phương án khả thi và là phương án tối ưu. Theo phương án này, phí đối với phương tiện cơ giới lưu thông trên đường bộ sẽ được thu gián tiếp qua giá xăng đối với phương tiện sử dụng xăng và thu trực tiếp trên đầu phương tiện đường bộ sử dụng diesel theo km xe chạy trên đường bộ khi phương tiện được kiểm định kĩ thuật định kì.

Theo khảo sát, tới gần 100% lượng xăng tiêu dùng trong nước được sử dụng cho mục đích giao thông. Toàn bộ môtô, xe máy và gần như toàn bộ ôtô 7 chỗ trở xuống, xe bán tải hiện sử dụng xăng. Các nhóm xe ôtô còn lại sử dụng khoảng 30% lượng dầu diesel tiêu dùng trong nước. Cách thu này sẽ thu được phí sử dụng đường bộ của toàn bộ môtô, xe máy và ôtô đang lưu hành, đồng thời tránh được vấn đề khó là phải hoàn trả phí cho các đối tượng dùng diesel không cho mục đích giao thông.

Mức đề xuất tính phí đường bộ qua giá xăng là 1.000đ/lít, tương đương với mức thuế phương tiện hàng năm 75USD với xe 5 chỗ. Nguồn thu này đạt khoảng 2.971 tỉ đồng, tính với lượng xăng tiêu thu năm 2009 là khoảng 2.971.000.000 lít xăng.

Thu trực tiếp trên đầu phương tiện cơ giới sử dụng diesel theo km chạy trên đường bộ, với mức thu tương đương mức thu qua xăng của xe sử dụng xăng đối với nhóm xe cùng trọng tải.

Trong thời gian chưa lắp thiết bị hành trình tính phí, chủ phương tiện đường bộ sử dụng diesel sẽ trả phí bảo trì đường bộ tính theo tháng vào kì kiểm định của phương tiện. Có 5 mức thu đối với phương tiện dùng diesel, lần lượt là: Xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế: 180.000 đ/tháng; Xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn, xe khách từ 12 đến 30 ghế: 270.000 đ/tháng; Xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn, xe khách từ 31 ghế trở lên: 396.000 đ/tháng; Xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20fit: 720.000 đ/tháng; Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40fit: 1.440.000 đ/tháng. Dự kiến tổng mức phí thu được của phương tiện chạy diesel là trên 2.958 tỉ đồng/năm.

Xử lý các trạm thu phí?

Nguyên tắc là người sử dụng đường bộ chỉ phải chịu phí đường bộ 1 lần mỗi khi sử dụng tuyến đường bộ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Do đó khi Quỹ bảo trì đường bộ được thành lập và đi vào hoạt động, các quy định về thu phí đường bộ qua các trạm thu phí nộp ngân sách hiện nay sẽ không còn hiệu lực.

Người sử dụng đường sẽ lựa chọn hoặc đi vào tuyến đường bộ được đầu tư bằng vốn ngân sách (không còn trạm thu phí đường bộ) hoặc đi vào các tuyến đường do các tổ chức, cá nhân đầu tư bằng các nguồn vốn không phải vốn ngân sách nhà nước (và phải trả phí giao thông khi qua trạm thu phí).

Vấn đề này hiện có khó khăn, đó là khi người sử dụng đường bộ không có lựa chọn khi hiện nay có khá nhiều tuyến đường độc đạo được đầu tư bằng nguồn vốn BOT - vốn do các tổ chức cá nhân huy động đầu tư xây dựng đường sá không có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước.

Dự thảo Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ đang xây dựng quy định về vấn đề xử lý các trạm thu phí đường bộ hiện nay. Trong đó phương án giải thể, xóa bỏ các trạm thu phí đường bộ trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã được thống nhất. Với các trạm thu phí đã bán quyền thu phí cho các nhà đầu tư và trạm thu phí BOT hiện đang được nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết.

Theo Phương Anh - Báo GTVT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 186