Một là, lái xe là phải biết cách lợi dụng đà quán tính của xe, tạo đà cho xe vận hành, tăng, giảm chân ga nhẹ nhàng và chuyển đổi số ở tốc độ vòng tua của động cơ trong khoảng 1.500 - 2.500 vòng/phút. Sử dụng đà của xe, bỏ chân ga sớm khi đến gần điểm cần dừng, đỗ, rẽ, tránh tăng tốc và phanh gấp liên tục.
Hai là, tạo thói quen giữ đều chân ga, đảm bảo cho xe chạy tốc độ ổn định, không quá nhanh, không quá chậm nhằm dễ dàng kiểm soát tốc độ mà còn giúp xe “ăn” xăng ít hơn (thói quen này có thể giúp tiết kiệm 33% nhiên liệu khi lái xe trên đường trường và 5% khi lái trong thành phố). Với điều kiện đường sá như ở Việt Nam, tốc độ lý tưởng nhất khi đi trên đường trường là 70 - 80 km/h. Còn với đường đồi núi, áp dụng “mẹo” giữ đều chân ga và tận dụng đà quán tính khi xe đổ đèo, giúp xe không bị “đuối sức” khi lên dốc mà vẫn “ăn” xăng ở mức thấp nhất.
Ba là, không “phóng nhanh, phanh gấp”, bởi thói quen này không chỉ khiến xe “ăn” xăng nhiều hơn mà còn gây hỏng hóc, giảm tuổi thọ động cơ. Những cú phanh gấp, khiến hệ thống phanh, lốp xe phải hoạt động “quá sức” không chỉ làm xe “ăn” xăng hơn, giảm tuổi thọ, mà còn làm bạn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn khi lái xe. Vì thế, bạn cần tập trung quan sát, sớm phán đoán tình huống, duy trì khoảng cách an toàn với những xe khác để bạn hạn chế tối đa những cú phanh gấp. Với mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn là 30m khi xe ở tốc độ 60 km/h, 50m khi đi ở tốc độ 80 km/h, 70m ở tốc độ đến 100 km/h và 90m cho tốc độ đến 120 km/h.
Bốn là, bạn nên tập thói quen tắt máy khi dừng đỗ xe trên 30 giây, bởi khi động cơ chạy không tải quá lâu sẽ lãng phí nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường. Lượng nhiên liệu tiêu thụ khi máy nổ không tải trong hơn 2 phút có thể giúp xe đi được thêm 1 km với tốc độ 50 km/h. Ngoài ra, nên chọn chỗ đỗ xe râm mát để giúp xe bạn không “bốc hỏa” để tránh tiêu tốn nhiên liệu cho hệ thống điều hòa. Nên tắt điều hòa và mở cửa thông gió trong lúc trời không quá nóng để tiết kiệm xăng hơn. Tuy nhiên, khi đi trên 80 km/h, bạn không nên mở cửa sổ xe vì lúc này xe sẽ bị ù và chịu sức cản lớn hơn khiến xe tốn xăng hơn.
Bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra áp suất lốp trước khi khởi hành để giúp tiết kiệm nhiên liệu và xe an toàn hơn, bởi áp suất của lốp xe thấp hơn 20% mức tiêu chuẩn sẽ làm tăng 10% lực cản và tăng 2% mức tiêu hao nhiên liệu. Hãy loại bỏ những vật dụng không cần thiết trên xe, bởi theo tính toán, nếu xe chở thêm 100 kg sẽ tiêu tốn thêm 0,5 lít xăng/100km...
Ngoài ra, trước những hành trình ngắn hay dài bạn cũng nên đưa ra những lịch trình cụ thể để tránh tình trạng tắc đường, giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền xăng hơn. Đồng thời, bạn cần có chế độ chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ, hợp lý để tăng tuổi thọ cho xe, giúp xe “khỏe” và “ăn” xăng ít hơn.
Theo tính toán, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của xe ôtô là 10 lít xăng/100 km; số km trung bình của mỗi chiếc xe là 12.000 km/năm (tương ứng với 1.200 lít xăng/năm). Nếu bạn lái xe đúng cách có thể tiết kiệm được khoảng 15%-20% nhiên liệu (1.200 x 20/100 = 240 lít/năm/xe), tương đương 5 triệu đồng/năm (240 x 21.600 = 5,184 triệu đồng)... và với 4.000 người áp dụng phương pháp lái xe tiết kiệm nhiên liệu thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 20 tỷ đồng.