|
|
|
|
| |
Dự thảo Quỹ bảo trì đường bộ: Sẽ thu phí giao thông qua giá xăng Ngày cập nhật 11/05/2010 Gần 6.000 tỉ đồng do người dân trực tiếp đóng góp vào Quỹ bảo trì đường bộ là phí giao thông thu qua xăng đối với phương tiện sử dụng xăng và thu trên đầu phương tiện sử dụng diesel.
Người sử dụng đường sẽ phải quen dần với việc phải trả một phần chi phí cho dịch vụ khi sử dụng đường sá là quan điểm của Bộ GTVT khi xúc tiến các công tác chuẩn bị cho việc thành lập Quỹ.
Thêm 1.000đ cho mỗi lít xăng
Tại cuộc họp gần đây nhất chuẩn bị cho việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ do Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chủ trì, Bộ GTVT đã nhất trí với phương án 3 của Đề án Quỹ bảo trì đường bộ do Tổng cục ĐBVN chịu trách nhiệm soạn thảo.
Theo phương án này, phí đối với phương tiện cơ giới lưu thông trên đường bộ sẽ được thu qua giá xăng đối với phương tiện sử dụng xăng và thu trên đầu phương tiện đường bộ sử dụng dầu diesel tính theo tháng và theo chủng loại phương tiện. Mức đề xuất tính phí đường bộ qua giá xăng là 1.000 đ/lít. Toàn bộ môtô, xe máy và gần như toàn bộ ôtô 7 chỗ trở xuống, xe bán tải hiện sử dụng xăng.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết: Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, phí bảo trì đường bộ tính tương đương với mức thuế phương tiện hàng năm từ 4 USD - 754USD (đối với xe 5 chỗ). Để phù hợp với điều kiện nước ta, mức đề xuất tính phí bảo trì đường bộ qua giá xăng 1.000đ/l tương đương với mức thu 1 năm là 75USD/ phương tiện.
Theo khảo sát, gần 100% lượng xăng tiêu dùng trong nước được sử dụng cho các phương tiện cơ giới giao thông đường bộ. Do đó để đảm bảo lợi ích chung, việc thu phí đường bộ qua xăng được tính cho toàn bộ lượng xăng thông thường tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam.
Đơn vị nhập khẩu xăng sẽ nộp khoản tiền này vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ tại Kho bạc nhà nước. Còn người sử dụng đường sẽ trả khoản phí này khi mua mỗi lít xăng sử dụng hàng ngày. Nguồn thu này đạt khoảng 2.971 tỉ đồng, tính với lượng xăng tiêu thụ năm 2009 là khoảng 2.971.000.000 lít xăng.
2.794 tỉ đồng từ các phương tiện đường bộ sử dụng diesel
Đối với phương tiện giao thông cơ giới sử dụng dầu diesel, phí sử dụng đường sẽ thu trực tiếp trên đầu phương tiện cơ giới sử dụng diesel.
Nguyên tắc áp dụng mức thu với từng phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng diesel là thu theo km xe chạy với mức thu tính toán tương đương mức thu qua xăng của xe sử dụng xăng đối với nhóm xe cùng trọng tải. Việc xác định nhóm xe căn cứ quy định tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính. Trong điều kiện Việt Nam các phương tiện vận tải đường bộ chưa lắp loại thiết bị hành trình tính phí như đối với một số nước có tính phí giao thông theo cách này, phương tiện sẽ được tính phí sử dụng đường tính theo tháng. Trên cơ sở là số km xe chạy trung bình/tháng nhân với mức thu km được xác định tại Thông tư 90 nêu trên. Theo số liệu thống kê, các phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng diesel trung bình chạy mỗi ngày 80-100km, mỗi tháng chạy khoảng 22 ngày, mức trung bình xe chạy/tháng là 1.800km.
Mức thu phí bảo trì đường bộ 1 tháng đối với phương tiện đường bộ sử dụng diesel có 5 nhóm mức lần lượt là: Xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế: 180.000 đ/tháng; Xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn, xe khách từ 12 đến 30 ghế: 270.000 đ/tháng; Xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn, xe khách từ 31 ghế trở lên: 396.000 đ/tháng; Xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20fit: 720.000 đ/tháng; Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40fit: 1.440.000 đ/tháng.
Dự kiến tổng mức phí thu được của phương tiện chạy diesel là trên 2.958 tỉ đồng/năm. Chủ phương tiện nộp phí theo tháng hoặc theo kì kiểm định phương tiện tại trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.
Người dân được lợi ích gì?
Luật GTĐB năm 2008 quy định Quỹ bảo trì đường bộ sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ đối với việc cung cấp nguồn tài chính cho hoạt động quản lý - bảo trì hệ thống đường bộ trên cả nước.
Với Đề án Quỹ bảo trì đường bộ đang được xây dựng, các nguồn thu của Quỹ được hình thành từ ngân sách nhà nước (dự kiến vẫn đảm bảo được cấp theo mức năm 2010 là 2.000 tỉ đ/năm) và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ: dự kiến gần 6.000 tỉ đồng từ người trực tiếp sử dụng đường bộ, 50 tỉ đồng từ thu phí đối với phương tiện đường bộ chở quá khổ quá tải, 50 tỉ đồng từ cho các ngành kinh tế khác thuê cơ sở hạ tầng (quảng cáo, lắp đặt công trình ngầm, lắp đặt công trình trên cao... trong phạm vi đất dành cho cơ sở hạ tầng đường bộ) và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Nguồn thu này dự kiến sẽ cơ bản đáp ứng 70- 80% nhu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì toàn bộ hệ thống đường bộ quốc gia. Đây là một con số gần như lý tưởng đối với việc bảo trì đường sá của các nước đang phát triển.
Khi Quỹ bảo trì đường bộ được thành lập và đi vào hoạt động, các trạm thu phí đường bộ trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách nhà nước sẽ giải thể, xóa bỏ.
Khi thực hiện thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ theo như phương án đề xuất, theo đánh giá của Đề án Quỹ bảo trì đường bộ, bước đầu sẽ làm tăng chi phí trong giá thành vận tải lên 1,5%.
Tuy nhiên, khi Quỹ đi vào hoạt động chất lượng đường sá sẽ tốt lên, chi phí trong giá thành vận tải giảm, tốc độ lưu thông phương tiện tăng lên, đem lại hiệu quả cao hơn cho vận tải đường bộ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Riêng chi phí cho vận tải, theo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, sẽ giảm 4,5%. Theo Phương Anh - Báo GTVT Các tin khác
|
|
|
|
|
|
| Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.015.864 Truy cập hiện tại 178
|
|