Tìm kiếm tin tức

 

Năm 2011 là năm chất lượng công trình giao thông
Ngày cập nhật 26/02/2011

     Đây là chủ trương của Bộ GTVT cho năm 2011. Thực hiện chủ trương này, ngày 15/2, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị “Tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông”.

    Tham dự hội nghị có lãnh đạo các cục, vụ, viện tham mưu của Bộ và các Ban QLDA, các TCT xây dựng công trình giao thông, các Sở GTVT... Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chủ trì hội nghị.

    Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được Nhà nước chú trọng đầu tư xây dựng mới góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Mỗi năm ngành GTVT đã đưa vào khai thác hàng ngàn km đường bộ, hàng trăm chiếc cầu đường bộ, đường sắt, cùng các cảng biển, cảng hàng không và những tuyến đường thủy.
 
   Trong năm 2009 đã xây dựng mới và cải tạo 750km đường bộ, trên 20km cầu và các công trình khác, đưa vào sử dụng trên 30 dự án, khối lượng thực hiện khoảng 33 ngàn tỷ đồng; Năm 2010, xây dựng và cải tạo khoảng 1.000km đường bộ, trên 8,7km cầu và đưa vào sử dụng trên 30 dự án, khối lượng thực hiện khoảng 39 ngàn tỷ đồng. Các công trình xây dựng đưa vào sử dụng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới.
 
   Nhìn chung chất lượng công trình tại các dự án đầu tư khi đưa vào khai thác đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên cũng có không ít các dự án trong quá trình xây dựng hoặc vừa mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện những hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận công trình, gây bức xúc cho xã hội như: sập dầm cầu cạn thuộc dự án đường Vành đai 3 (Hà Nội), QL 91 (Cần Thơ), QL 53 (Vĩnh Long), QL 48 (Nghệ An - Dự án WB4), một số đoạn trên QL 1A (Hợp phần bảo trì dự án WB4), thảm bê tông nhựa nóng mặt cầu Thăng Long, tuyến tránh Phú Yên... Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho các Ban QLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu đã mổ xẻ nhiều vấn đề nhằm tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông.
 
   Các đại biểu chỉ ra một số lý do ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công trình như: công tác giải phóng mặt bằng luôn chậm trễ; nguồn vốn đầu tư hạn chế trong việc xác định quy mô đầu tư của dự án; lưu lượng vận tải phát triển quá nhanh, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, mưa lũ kéo dài. Bên cạnh đó, khảo sát thiết kế còn nhiều hạn chế, nhất là bước lập dự án, thiết kế cơ sở chưa đảm bảo chất lượng nên đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật phải điều chỉnh, bổ sung kéo dài thời gian thực hiện.
 
   Quy trình thiết kế, quy trình thi công chuyên ngành chưa phù hợp, việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ chưa đảm bảo sự lựa chọn tối ưu về kinh tế, kỹ thuật. Nhìn chung, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu chưa tuân thủ đầy đủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; các biện pháp bảo đảm an toàn công trình, an toàn lao động, thực hiện các quy định về môi trường còn bị coi nhẹ.
 
   Các công trường xây dựng triển khai thiếu khoa học, chưa có tính chuyên nghiệp. Bộ máy kiểm soát chất lượng và chi phí cho việc bảo đảm chất lượng của nhà thầu chưa được quan tâm đúng mức và nguy cơ vi phạm chất lượng công trình xây dựng là lớn và tiềm ẩn. Quản trị tài chính doanh nghiệp của nhà thầu còn yếu kém, công tác đầu tư thiết bị và công nghệ thi công còn hạn chế, đặc biệt các doanh nghiệp chưa có chính sách quản trị nguồn nhân lực đã dẫn đến năng lực cạnh tranh chưa cao đặc biệt là trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
 
   Công tác quản lý, giám sát chất lượng của chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn giám sát... cũng còn nhiều điểm yếu, thiếu tính chuyên nghiệp. Đội ngũ tư vấn giám sát chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kiên quyết xử lý các vấn đề chất lượng. Trong khi đó, để có việc làm, các nhà thầu bỏ thầu giá thấp để thắng thầu đã dẫn đến yếu kém về chất lượng trong thi công, không đủ chi phí bảo đảm chất lượng công trình. Kinh phí bảo trì, duy tu, sửa chữa công trình không đủ nên công trình xuống cấp, không đảm bảo tuổi thọ công trình.
 
 
   Để nâng cao chất lượng xây dựng công trình giao thông và an toàn lao động các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm trong xây dựng công trình giao thông; nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia dự án đặc biệt là công tác tư vấn...
 
   Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh chất lượng là ưu tiên số 1 và Bộ GTVT sẽ triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng công trình giao thông. Bộ trưởng cũng yêu cầu kiện toàn công tác tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; các Ban QLDA hoạt động phải mang tính chuyên nghiệp cao trong quản lý chất lượng công trình; Cục Quản lý chất lượng CTGT giám sát và tham mưu cho Bộ về công tác quản lý chất lượng, đồng thời xây dựng chế tài thưởng phạt các nhà thầu làm tiêu chí đánh giá các nhà thầu khi tham gia đấu thầu.
 
Theo Bao GTVT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 1.694