Tìm kiếm tin tức

 

Nhìn lại 01 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị
Ngày cập nhật 07/11/2010

      Nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế đang vận hành phù hợp với quỹ đạo phát triển, cơ bản tạo chỉ số tăng trưởng "vàng", hội đủ niềm tin cho 1 năm thành công trên nhiều lĩnh vực, góp phần to lớn hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm (2006-2010) và tạo động lực vững mạnh để bước vào thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch KTXH 5 năm giai đoạn 2011-2015.

Kết luận 48 ra đời đã thổi vào Thừa Thiên Huế một luồng sinh khí mới, một vận hội mới đang mở ra đó là Thừa Thiên Huế được định hướng xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong một vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Sau hơn 01 năm tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 48, được sự quan tâm thường xuyên theo dõi chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 (Quyết định 86/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009) để làm cơ sở pháp lý triển khai tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó Tỉnh tập trung triển khai các nhiệm phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển, dần hình thành bộ mặt đô thị hiện đại. Đáng chú ý có các đề án lớn như: Đề án phát triển kinh tế tổng hợp vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020.

Tốc độ đô thị hoá Thừa Thiên Huế, nhất là ở Hương Thủy, Tứ Hạ, Thuận An cùng các thị trấn, thị tứ dọc Quốc lộ 1A và ven thành phố Huế đã có bước chuyển biến khá nhanh. Đô thị Phú Bài (Hương Thủy) và đô thị Tứ Hạ (Hương Trà) đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị ở thành phố Huế và các đô thị vệ tinh được đầu tư nâng cấp; hệ thống giao thông đối ngoại như sân bay Phú Bài, cảng biển Chân Mây, hầm đường bộ Hải Vân, đường Hồ Chí Minh, các cửa khẩu và hệ thống giao thông kết nối các đô thị vệ tinh ở miền núi, đồng bằng với thành phố Huế được đầu tư phát triển; các cơ sở cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải được quan tâm quy hoạch và đầu tư; công tác chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị của Thành phố di sản được đặc biệt quan tâm. Nhiều dự án tiềm năng có vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được triển khai như Dự án cải tạo môi trường nước thành phố Huế, các dự án đường cao tốc, Quốc lộ 49A, đường 74, đường 71, cầu qua sông Hương, đường La Sơn - Nam Đông đáp ứng nhu cầu kết nối đô thị Nam Ðông với Thành phố Huế; Đối với hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết cảng Chân Mây, tiếp tục thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Chân Mây, khu vực ven đường Tây đầm Lập An...

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt trên 12%/năm. Năm 2009, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 7.200 tỷ đồng, thu ngân sách đạt trên 2.500 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 1.015 USD. Trong một số lĩnh vực, Thừa Thiên Huế có vị thứ xếp hạng cao so cả nước như thu ngân sách xếp 20/63 tỉnh, thành; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong nhóm tốt, tăng từ vị trí 40 (năm 2005) lên vị trí 14/64 tỉnh, thành; các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông - ICT xếp thứ 4/63...

Một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 do Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra: tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 12%/năm; Tổng đầu tư toàn xã hội 9.000 tỷ đồng; Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GDP): 1.150 USD; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.750 tỷ đồng. Sau 10 tháng triển khai thực hiện cho thấy nền kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đạt mức tăng trưởng cao và đồng đều trên các mặt, khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra (Tổng thu ngân sách ước đạt 2.527,9 tỷ đồng, bằng 91,9% dự toán năm, tăng 26,5% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 7.681,5 tăng 27,8% so cùng kỳ).

Đến thời điểm này, có thể khẳng định nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế đang vận hành phù hợp với quỹ đạo phát triển, cơ bản tạo chỉ số tăng trưởng "vàng", hội đủ niềm tin cho 1 năm thành công trên nhiều lĩnh vực, góp phần to lớn hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm (2006-2010) và tạo động lực vững mạnh để bước vào thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch KTXH 5 năm giai đoạn 2011-2015.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian đến để xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015:

Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa V, kỳ họp thứ XIV đã  thông qua Nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2015 với mục tiêu là thành phố trực thuộc trung ương mang nét đặc trưng của Cố đô Huế - thành phố sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường; trong đó, thành phố Huế hiện nay là đô thị trung tâm, hạt nhân của một hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, cùng với Chân Mây-Lăng Cô, các thị xã Hương Thủy, Tứ Hạ, Thuận An và các thị trấn vệ tinh khác là Bình Điền, Phú Đa...

Để đạt được mục tiêu này, vấn đề quan trọng hiện nay là Tỉnh phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo... Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh. Trước mắt là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị Huế và các đô thị vệ tinh, tạo bước đột phá để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông gắn kết các trung tâm phát triển kinh tế, các vùng kinh tế của Thừa Thiên Huế. Trong đó, tập trung chỉ đạo các chương trình trọng điểm: Chương trình nâng cấp và phát triển đô thị, trọng tâm là đô thị Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Thuận An. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Chương trình xây dựng và phát triển khu kinh tế, đô thị Chân Mây - Lăng Cô. Chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Chương trình phát triển công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm. Chương trình bảo vệ môi trường, phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu, từng bước hoàn thiện bản sắc đặc trưng văn hoá Huế để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hoá đặc sắc của Việt Nam; xem đây là lợi thế so sánh lâu dài để phát triển Huế, làm cho Huế ngày càng đặc sắc, thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ phát triển.

Tập trung xây dựng trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trung tâm khoa học và công nghệ cao của khu vực miền Trung và cả nước; trong đó tập trung nguồn lực phát triển Đại học Huế trở thành một trong những trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của quốc gia và ngang tầm với các đại học trong khu vực, từng bước hình thành Đại học quốc tế, phấn đấu trở thành đại học quốc gia trước năm 2015.

Đầu tư hoàn thiện và đồng bộ Trung tâm y tế chuyên sâu, bao gồm Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Y Dược Huế và Trung tâm Kiểm nghiệm hoá dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm để trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy mở rộng liên doanh, liên kết với quốc tế, nhất là kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị, trong đào tạo và chuyển giao công nghệ. Hoàn chỉnh hệ thống y tế từ tuyến huyện, xã, các bệnh viên chuyên khoađể đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tin tưởng rằng với tiềm năng, thế mạnh và sự đồng lòng, quyết tâm cao của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế. Trong tương lai Thừa Thiên Huế sẽ là một thành phố phát triển bền vững, gắn giữa tăng trưởng kinh tế hợp lý với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển theo hướng thành phố xanh, thành phố công viên...Phấn đấu năm 2020, Thừa Thiên Huế trở thành một trong nhóm 20 tỉnh/thành phố đứng đầu cả nước, trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực./.

 

 

Bài và ảnh: www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 3