Tìm kiếm tin tức

 

VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ: Hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý
Ngày cập nhật 29/10/2010

     Sau gần 10 năm chính thức thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực vận tải đường bộ, công tác quản lý vận tải đang có bước chuyển mới, toàn diện với việc ban hành đồng bộ các văn bản về quản lý hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, trật tự và ATGT.

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/2004/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong việc quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, tổ chức, hoạt động vận tải đã bước đầu có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên trong tình hình mới, hoạt động vận tải cũng bộc lộ những bất cập, nhất là tình trạng gia tăng TNGT trong vận tải đường bộ. Từ đó, Luật GTĐB sửa đổi và các văn bản cụ thể về quản lý hoạt động vận tải đường bộ ra đời với mục tiêu cơ bản là bảo đảm ATGT và nâng cao năng lực hoạt động quản lý vận tải. Trong thời gian qua, Chính phủ cũng như Bộ GTVT đã hoàn thành 28 văn bản liên quan đến hoạt động quản lý vận tải và sẽ tiếp tục hoàn thiện 5 văn bản nữa liên quan đến hoạt động này trong thời gian tới.

Theo ông Đỗ Xuân Hoa – Vụ trưởng Vụ Vận tải – Pháp chế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam): Các nội dung quy định về hoạt động vận tải mới nhằm làm chuyển biến hoạt động vận tải theo hướng quản lý chặt chẽ hơn. Ngay tại Luật GTĐB năm 2008 được cụ thể bằng Nghị định số 91/2009/NĐ-CP về quản lý vận tải, hàng loạt những nội dung mới được quy định nhằm nâng cao chất lượng và trật tự ATGT trên tuyến như: doanh nghiệp, HTX chỉ được tăng số xe khi hệ số có khách bình quân tại hai đầu bến của đơn vị, trong một thời gian cụ thể đạt trên 50%. Quy định này nhằm đảm bảo được ổn định trật tự trên tuyến và quan tâm đến tính hiệu quả của doanh nghiệp trong khai thác vận tải.

Nghị định 91/2009/NĐ-CP lần đầu tiên cụ thể hóa các điều kiện ATGT đối với doanh nghiệp, phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường bộ. Theo đó, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và vận tải hàng hoá bằng container phải có bộ phận theo dõi, giám sát điều kiện về ATGT. Theo Thông tư 14/2010/TT-BGTVT, bộ phận này có chức năng theo dõi, tổng hợp phân tích tình hình chấp hành các quy định về ATGT; kiểm tra đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật trước khi xe tham gia hoạt động; quản lý các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, số lần đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe trong ngày của từng tài xế. Thông tư này cũng xác định trách nhiệm về ATGT thuộc về doanh nghiệp, HTX. Thông tư cũng quy định, bắt buộc các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình nhằm phục vụ nhu cầu quản lý của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước khi cần thiết.

Các quy định mới cũng lần đầu tiên đề cập đến lĩnh vực quản lý kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ôtô. Theo đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá khi có đủ các điều kiện kinh doanh trước khi đưa phương tiện vào hoạt động phải thông báo đến Sở GTVT một số nội dung cần thiết. Điều này trước đây chưa được thực hiện khiến cho hoạt động vận tải hàng hóa nằm ngoài phạm vi kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo ông Trần Quang Bình – Phó vụ trưởng Vụ Vận tải – Pháp chế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), việc ban hành Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT quy định về bến, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải với nhiều nội dung mới theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, thúc đẩy hoàn thiện, phát triển hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ theo quy chuẩn chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, kinh doanh của các bến xe, đơn vị vận tải khách; đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách và tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động vận tải, đảm bảo ATGT.

Theo Tiến Mạnh - Báo Bạn đường
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.940.590
Truy cập hiện tại 6.139