Tìm kiếm tin tức
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ ngành Giao thông vận tải năm 2023.
Ngày cập nhật 06/01/2023

Chiều ngày 05/01/2023, Sở giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Lê Anh Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải phát biểu đánh giá kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của ngành giao thông vận tải là đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các phương án, hướng dẫn về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

 

Đồng chí Lê Anh Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải phát biểu

- Công tác cải cách hành chính đã được Lãnh đạo Sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện, căn cứ vào các kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính của tỉnh, ngay từ đầu năm Sở đã xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện. Qua đó, đã thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ và yêu cầu kế hoạch đặt ra.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động được đẩy mạnh: 100 % công việc được giải quyết, quản lý qua hồ sơ công việc, tình trạng sử dụng văn bản giấy đã được hạn chế đến mức tối đa; 100% cán bộ, công chức, viên chức có hộp thư công vụ và thường xuyên sử dụng trong xử lý công việc; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 (56/122 TTHC, trong đó: 10 TTHC thực hiện ở mức độ 3, 46 TTHC thực hiện ở mức độ 4); cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, niêm yết công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và các hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện TTHC trên Trang thông tin điện tử của Sở, giúp cho người dân dễ dàng tìm hiểu các thông tin liên quan.

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở đã phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm tốt công tác tiếp nhận và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; các phòng chuyên môn đã thụ lý và giải quyết đầy đủ bảo đảm thời gian và quy trình thủ tục theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên rà soát tham mưu công bố, công khai kịp thời các TTHC, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận: 54.848 hồ sơ (trực tuyến: 3.543 hồ sơ).

- Việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Các phòng thường xuyên rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời vào các quy trình phù hợp với các văn bản pháp luật hướng dẫn hiện hành.

* Kết quả xếp hạng các chỉ số năm 2022:

- Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) các sở, ban, ngành và địa phương năm 2022: xếp vị trí 08/25 sở, ban, ngành (Năm 2021: xếp vị trí 17/23 sở, ban, ngành).

- Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022: xếp vị trí 16/21 sở, ban, ngành (Năm 2021: xếp vị trí 18/21 sở, ban, ngành).

- Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền số năm 2022: chưa công bố (Năm 2021: xếp vị trí 07/20 sở, ban, ngành).

- Tình hình dịch bênh bùng phát trên toàn cầu nói chung, nước ta nói riêng đã làm cho nền kinh tế bị trì trệ, trong đó ngành vận tải đã bị ảnh hướng lớn. Tuy nhiên, trong năm 2022 tình hình dịch bệnh đã giảm, ngành vận tải đã có nhiều khởi sắc hơn, vận tải hành khách ước đạt 21.726 nghìn lượt khách, tăng 43%; vận tải hàng hóa ước đạt 21.367,6 nghìn tấn, tăng 71%.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp xe buýt tuyến nội tỉnh, tuyến buýt Huế - Đà Nẵng chạy đúng biểu đồ, thời gian và chất lượng phục vụ tốt đi lại của người dân. Chất lượng phục vụ các tuyến xe buýt nội tỉnh ngày càng được nâng cao, đặc biệt là 5 tuyến xe buýt nội thị được đầu tư xe mới 100%, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cho người dân, tạo phấn khởi cho người dân đi xe buýt trên địa bàn. Hiện nay, đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không trợ giá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế - Giai đoạn 2, tuy nhiên không có E-HSDT đáp ứng yêu cầu của E-HSMT.

- Sau khi dịch được cơ bản khống chế, hoạt động taxi dần ổn định như trước thời gian có dịch; tình hình xe dù, bến cóc, xe khách trá hình vẫn diễn biến phức tạp.

- Công tác đăng ký xe máy chuyên dùng và cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, cấp phù hiệu, biển hiệu du lịch trong hoạt động vận tải vẫn tiến hành thường xuyên và không chậm trễ.

- Đã chấp thuận và đưa vào hoạt động thí điểm xe thoáng nóc 2 tầng và xe phục vụ khách du lịch tại sân bay Phú Bài, bước đầu tạo điều kiện cho du khách di chuyển thuận lợi đến các địa điểm du lịch và trung tâm kinh tế thương mại trên địa bàn tỉnh, tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đến Huế, thúc đẩy phát triển kinh tế.

- Công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ: Đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm định an toàn kỹ thuật phư­ơng tiện theo quy trình quy phạm, không cho l­ưu hành các phương tiện không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi tr­ường. Số phương tiện đã đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận ước đạt 34.840 lượt xe, tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2021.

- Trong thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch tiếp tục được chấn chỉnh, nhờ đó đã đi vào nề nếp trật tự, đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch, nâng cao ý thức học tập, rèn luyện của học viên, các trung tâm đào tạo cũng cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học viên, tránh trường hợp chạy đua bằng mọi giá để tạo ra những hệ lụy không tốt, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giảm thiểu tai nạn giao thông. Đã kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất công tác đào tạo, tổ chức thi tốt nghiệp cấp chứng chỉ nghề, chứng nhận tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo; các cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, trong đó chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, không ngừng đầu tư và duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, sân tập lái,…

- Đã đưa phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để tổ chức sát hạch đối với những học viên hoàn thành chương trình đào tạo học lái xe kể từ ngày 15/6/2022. Trong năm, đã tổ chức 86 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô; 200 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô.

Về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý vốn:

Vốn sự nghiệp địa phương:

- Về đường bộ:

+ Vốn sự nghiệp giao thông năm 2022 được bố trí với tổng mức 91,347 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ công tác bảo trì và sửa chữa vừa 624 km các tuyến đường tỉnh quản lý, đến nay đã giải ngân 97%, sẽ giải ngân 100% trước ngày 31/01/2023.

+ Quốc lộ 49B Trung ương ủy thác cho Sở quản lý, công tác duy tu được triển khai, đảm bảo êm thuận.

+ Các QL1A, 49A, đường Hồ Chí Minh do Trung ương quản lý trên địa bàn, Sở cũng đang phối hợp tốt, kịp thời đề xuất giải quyết những tồn tại nãy sinh, kịp thời phục vụ êm thuận cũng như ATGT trên các tuyến đường.

- Về đường thủy nội địa: Hiện tại đã công bố đưa vào khai thác và quản lý 338,45 km trên tổng số 560 km đường thuỷ trên toàn tỉnh. Trong đó các tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 153,6 km (phá Tam Giang và Sông Hương) và các tuyến đường thủy nội địa địa phương là 184,85 km.

- Sở đã tiến hành tổ chức tốt việc đấu thầu công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường tỉnh và đường thủy nội địa nên hệ thống đường bộ và đường thủy nội địa địa phương luôn luôn đảm bảo an toàn, êm thuận và thông suốt tốt hơn.

 Tình hình thực hiện một số dự án giao thông lớn trên địa bàn:

Sở đã tổ chức triển khai, phối hợp triển khai một số công trình, dự án giao thông lớn trên địa bàn như:

- Dự ánTuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An: Dự án đang triển khai thi công gói thầu số 10 toàn bộ phần xây lắp. Gói thầu được triển khai từ ngày 26/3/2022, thời gian hoàn thành theo hợp đồng là 36 tháng.

 - Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Thực hiện Quyết định 1828/QĐ-UBND ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh giao cho Sở GTVT làm Chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn; đây là một công việc khó, phức tạp với tiến độ rất gấp nhưng đến nay đã tích cực phối hợp với Ban QLDA đường HCM và các địa phương thực hiện tốt công tác đền bù và bàn giao mặt bằng theo kế hoạch. Đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành khối lượng GPMB đường. Riêng công tác di dời điện cao thế đã thi công xong phần móng, đang chuẩn bị thi công phần điện sau tết âm lịch.

- Công trình cầu vượt Sông Hương: Dự án đã được UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 2177/QĐ-UBND ngày 09/9/2022, dự án được khởi công vào ngày 23/12/2022.

Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông:

Công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ:

- Hiện nay, Sở GTVT đang quản lý 624 km đường tỉnh, 105 km tuyến quốc lộ 49B được ủy thác, 338,45 km tuyến đường thủy nội địa, 106 bến cảng hàng hóa và hành khách. Ngoài ra, Sở GTVT còn thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao ủy quyền thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 35km tuyến QL1 thuộc dự án BOT mở rộng QL1.

- Tiến độ thực hiện công trình: đã hoàn thành 100% nguồn vốn kế hoạch giao (kể cả trung ương và địa phương):

+ Nâng cấp 2km đường, gia cố 4km mái taluy và sửa chữa lan can các cầu Vân Trình, cầu Phước Tích tuyến Quốc lộ 49B bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ trung ương.

+ Nâng cấp hơn 20km đường tỉnh với mặt đường Bê tông nhựa, Bê tông xi măng rộng 5,5m, nền đường 6,5m, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống ATGT: biển báo, cọc tiêu, sơn tim đường; các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn đã cơ bản được nâng cấp khang trang, an toàn.

Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý hạ tầng giao thông:

Tiếp tục triển khai giải pháp “quản lý, kiểm tra, giám sát và bảo trì công trình giao thông trên nền GIS và thiết bị di động”. Qua đó các cán bộ kỹ thuật, giám sát, tuần đường dùng phần mềm Govone cài đặt trên điện thoại di động có thể thu thập, cập nhật thông tin tình trạng cầu, đường; hỗ trợ và ghi chép quá trình ra quyết định sửa chữa, bảo trì, nâng cấp hạ tầng đường bộ.

Công tác xử lý thông tin phản ánh hiện trường:

Năm 2022, đã xử lý trên 446 thông tin phản ánh từ hệ thống phản ánh hiện trường của UBND tỉnh. Thuộc nhóm các đơn vị có khối lượng phản ánh nhiều. Quá trình xử lý có phân công cán bộ tiếp nhận, xử lý hiện trường, lập văn bản trao đổi và trả lời đúng thời hạn 80% phản ánh. Có nhiều phản ánh được người dân chấm điểm “hài lòng”. Tuy nhiên, vẫn còn một số phản ánh chưa trả lời kịp thời hoặc trả lời chưa được người dân đồng tình, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng xuống cấp các tuyến đường tỉnh giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làm đường công vụ khi thi công cao tốc chưa được sửa chữa kịp thời. Sở GTVT đã ban hành nhiều văn bản gửi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh để nhanh chóng sửa chữa các tuyến đường công vụ này.

Công tác an toàn giao thông, xử lý điểm đen và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông:

Để kiềm chế và từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông, Sở Giao thông vận tải luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống đường bộ đã được nâng cấp đáng kể, hầu hết đã được nhựa hóa, hoặc bê tông hóa, kể cả đường giao thông nông thôn, nhiều cầu lớn được xây dựng, việc đi lại của nhân dân đã dễ dàng hơn trước nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hệ thống hạ tầng thì phương tiện giao thông và tai nạn giao thông cũng tăng theo. Trong năm qua, đã trực tiếp và phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, trình cho các cấp xử lý 02 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông là: Nút giao đường vào cảng hàng không quốc tế Phú Bài và Km14+400 đường Tỉnh 10 (ngã tư thôn Diên Đại) với kinh phí 6,5 tỷ đồng. Trong năm 2023, tiếp tục phối hợp xử lý 02 điểm đen tại Km10+00 - Km10+500 và Km 24+300 - Km24+800  đường tỉnh 4: kinh phí 3,7 tỷ đồng; sơn bổ sung các vạch sơn, gờ giảm tốc, bổ sung và thay thế các biển báo bị mờ, bong tróc: kinh phí 2,0 tỷ đồng và một số điểm đen, điểm tiềm ẩn.

Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng:

- Thực hiện Quyết định số 30/QĐ-SGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2022 về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2022, Thanh tra Sở GTVT đã tổ chức triển khai thực hiện 06/06 cuộc thanh tra chuyên ngành (xử phạt: 23.200.000 đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn: 05 trường hợp).

- Thanh tra Sở đã phối hợp, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện Kế hoạch số 23/KH-BATGT ngày 08/4/2022, Kế hoạch số 35/KH-BATGT ngày 16/5/2022, Kế hoạch số 54/KH-BATGT của Ban ATGT tỉnh về kiểm tra liên ngành bảo đảm trật tự ATGT và vận tải hành khách bằng ô tô; Kết quả: Đoàn liên ngành đã lập 37 biên bản VPHC, xử phạt với tổng số tiền: 154.600.000 đồng; tước GPLX từ 01 tháng đến 03 tháng: 16 trường hợp; tước Phù hiệu xe từ 01 đến 03 tháng: 12 trường hợp.

- Thực hiện Quyết định số 160/QĐ-UBND ngày 13/01/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022. Lực lượng liên ngành Thanh tra Sở GTVT, Trạm KTTTX lưu động và Công an tỉnh (Phòng CSGT, các Đội CSGT-TT các huyện, thị xã và thành phố Huế) đã xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra xe chở hàng quá khổ, quá tải tham gia giao thông trên đường bộ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xe chở hàng quá tải trọng lưu thông trên đường bộ, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Kết quả xử lý: Lập biên bản 121 trường hợp, xử phạt số tiền: 2.387.400.000 đồng, tước quyền sử dụng GPLX: 81 trường hợp.

- Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh... Qua đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe khách chạy sai luồng, tuyến…; dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định; xe vận chuyển hành khách không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải; xử lý phương tiện vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch trá hình, vận chuyển khách như xe tuyến cố định, xe vận chuyển khách không đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải (nhất là loại xe dưới 9 chổ ngồi; tập trung tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại); tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chở hàng quá khổ, quá tải, vi phạm kích thước thành thùng hàng, hoạt động bốc, xếp hàng hóa ngay từ nơi xuất phát, tại đầu mối, khu vực cảng, khu công nghiệp, các mỏ vật liệu; tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với phương tiện về đăng ký, đăng kiểm, điều kiện của các bến thủy nội địa, bến khánh ngang sông; các điều kiện đối với thuyền viên và người điều khiển phương tiện tại các bến khách ngang sông, tuyến đầm phá, bến thuyền du lịch, Hồ truồi, khu vực Đầm Chuồn…. Kết quả xử lý: Lập biên bản 667 trường hợp, xử phạt số tiền: 1.518.400.000 đồng, tước quyền sử dụng GPLX: 36 trường hợp.

- Số lượt tiếp công dân trong năm 2022: 01 lượt. Trong đó, số người được tiếp: 06 người; nội dung: Công dân kiến nghị về việc tình trạng xe trá hình, kinh doanh vận tải hành khách trái phép trên tuyến Đà Nẵng - Huế và ngược lại; kết quả giải quyết: đã giải quyết; số đơn tiếp nhận trong kỳ: 05 đơn; trong đó: khiếu nại: 02 đơn (cùng 01 người, có nội dung trùng lặp); kiến nghị, phản ánh: 03 đơn. Số đơn đã giải quyết: 03 đơn; số đơn chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết: 01 đơn; số đơn lưu do không đủ điều kiện xử lý: 01 đơn.

- Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức phẩm chất người cán bộ, công chức kết hợp các biện pháp quản lý, phòng ngừa, thường xuyên giám sát và nắm bắt các thông tin, dư luận qua công tác chuyên môn nên đến nay chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào, cũng như không có đơn thư tố cáo, phản ánh nào về tham nhũng. Trong các dịp Lễ, Tết đơn vị không có trường hợp nào vi phạm các quy định về việc tặng quà và nhận quà.

 Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông:

Đã phối hợp với Ban An toàn giao thông và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền về an toàn giao thông và các văn bản pháp luật về giao thông vận tải. Mặc dù quyết tâm, cùng sự nổ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và UBND tỉnh. Tai nạn giao thông trong năm 2022 tăng trên cả ba tiêu chí so với năm 2021: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 259 vụ tai nạn, làm chết 182 người, bị thương 151 người, thiệt hại tài sản khoảng 2.008,1 triệu đồng; so với năm 2021: Tăng 39 vụ (+17,7%), tăng 43 người chết (+30,9%), tăng 07 người bị thương (+4,9%). Tuy nhiên, so với năm 2019 (trước khi chưa có dịch bệnh Covid-19) thì giảm 93 vụ (-26,4%), giảm 07 người chết (-3,7%), giảm 130 người bị thương (-46,3%).

 

Đồng chí Hoàng Hải Minh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hoàng Hải Minh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trong năm 2023, Đảng ủy, ban giám đốc Sở Giao thông vận tải cần tiếp tục động viên cán bộ, đảng viên đoàn kết thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn đã đề ra. Ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những kết quả đạt được trong năm của Sở GTVT. Với tinh thần giao thông đi trước mở đường, quyết tâm cao, kế hoạch cụ thể, bản lĩnh, trí tuệ, ngành đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần để tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, doanh nhân và người dân. Với những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự đổi mới về tư duy, nhận thức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của ngành; công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch, đầu tư xây dựng… 

Trong đó, Sở cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác kiểm định phương tiện; Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình; quy hoạch bến xe, phân luồng phù hợp. Sở Giao thông vận tải cần phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý hoạt động xe dù, bến cóc. Ngoài ra, Sở cần tăng cường công tác quản lý xây dựng cơ bản, giám sát chất lượng các công trình giao thông; quản lý hành lang giao thông, lòng lề đường, đấu nối với các quốc lộ; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp chống ùn tắc giao thông trên quốc lộ.

- Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa; tập trung sửa chữa các hư hỏng đột xuất trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt đối với giai đoạn trước và sau tết, ưu tiên xử lý các điểm “đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

- Tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, thường xuyên, định kỳ tại trụ sở Tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và giải quyết kịp thời đúng pháp luật trong phạm vi, thẩm quyền quản lý.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ các nhiệm vụ công tác trên cơ sở bám sát chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh.

Văn phòng Sở

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.033.052
Truy cập hiện tại 333