Tìm kiếm tin tức
Thuyền du lịch trên sông Hương ngại lên đà
Ngày cập nhật 28/05/2013

Thực hiện QCVN25: 2010/BGTVT về Quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ, một trong những công đoạn kiểm tra chất lượng phương tiện là phải đưa phương tiện lên đà trên cạn để kiểm tra phần đáy thuyền. Hầu hết chủ phương tiện thuyền du lịch trên sông Hương (TDLSH) cho rằng, công đoạn này không hợp lý với đặc điểm TDLSH và đã thoái thác. Nguy cơ hàng loạt TDLSH sẽ không đăng kiểm và không được cấp giấy phép hoạt động trong năm nay.

 

Hiện tại, đã có khoảng trên dưới 30% TDLSH hết hạn đăng kiểm. Với đà này, tháng 11/2013, 100% TDLSH sẽ hết hạn đăng kiểm và sẽ không có giấy phép hoạt động. Ông Nguyễn Cửu Thắng, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết: Ngay sau khi có quy chuẩn mới về đăng kiểm thủy nội địa, chúng tôi đã quán triệt đến các chủ phương tiện; vận động đầu tư xây dựng bãi đà để kéo thuyền lên đăng kiểm. Hiện tại đã có một bãi đà ở Thuận An nhưng các chủ thuyền vẫn không chịu đưa thuyền về để kiểm tra...

TDLSH đưa khách đến tham quan chùa Thiên Mụ

Nhiều chủ TDLSH cho rằng, TDLSH được hình thành bằng kinh nghiệm dân gian, đặc điểm sông nước của sông Hương nhưng vẫn rất chắc chắn; hàng chục năm qua chưa xảy ra sự cố nào do yếu tố kỹ thuật và đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, cấp phép hoạt động hàng năm; nay phải kéo lên bờ để kiểm tra phần đáy mới cấp phép hoạt động là quá bất tiện. Đa phần TDLSH được kết cấu bằng lắp ghép 2 thuyền đơn, phần bên trên có kết cấu đà dọc, đà ngang, khung nhà rường, ổn định an toàn trên mặt nước. Song khi đưa lên cạn thì dễ bị hư hỏng, bởi trên nặng, dưới nhẹ. Giá trị của mỗi TDLSH cả tỷ đồng.

Ông Phan Minh, Công ty TNHH Nhật Minh cho rằng, mục đích kéo thuyền lên đà cạn là để kiểm tra phần đáy thuyền có bị rò rỉ, xuống cấp hay không. Công đoạn này chỉ phù hợp với tàu có 2 lớp vỏ, hoạt động trong môi trường nước có chất rò rỉ cao. Nhưng TDLSH có cấu tạo chỉ vỏ 1 lớp vỏ bằng hợp kim nhôm dày 5mm, bên trong khoan thuyền rỗng, được liên kết bằng đà dọc, đà ngang hình xương cá nên kiểm tra phần đáy thuyền và các hiện trạng an toàn kỹ thuật từ trên mặt nước vẫn chính xác; không nhất thiết phải kéo lên đà cạn.

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở GTVT: “Bằng cảm tính thì yếu tố kỹ thuật của các TDLSH vẫn rất đảm bảo. Nhưng quy định từ trên đã như vậy rồi thì mình không thể làm trái. Lỡ xảy ra sự cố thì ai chịu trách nhiệm. Sở GTVT cũng đã có văn bản gửi lên Cục Đăng kiểm Việt Nam, xin cơ chế đặc thù về kiểm tra an toàn kỹ thuật cho TDLSH nhưng vẫn chưa có kết quả.

Hiện nay, đã có một bãi đà ở Thuận An. Ông Nguyễn Tân, Phó phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh cho rằng, bãi đà muốn hoạt động được thì phải hội đủ nhiều điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Không thể tùy tiện xây dựng một bãi đà rồi kéo thuyền lên để kiểm định được. Mặt khác, với đặc điểm TDLSH chỉ hoạt động trên sông Hương, nếu đưa thuyền về bãi đà Thuận An thì phải qua đập Thảo Long, đi trên phá Tam Giang để đến bãi đà sẽ gặp nhiều sóng gió rất nguy hiểm. Chưa kể, môi trường nước mặn làm cho đáy TDLSH vốn quen với nước ngọt trên sông Hương sớm bị rỉ sét, hư hỏng... Tuy vậy, trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện thuyền không được chứng nhận an toàn kỹ thuật, không có giấy phép hoạt động thì chúng tôi cũng phải xử lý theo quy định.

TDLSH từ lâu đã gắn bó với cảnh quan, sông nước sông Hương. Đưa đón khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân góp phần không nhỏ trong phát triển du lịch tại địa phương. Rất mong Cục Đăng kiểm Việt Nam và các ban ngành liên quan, các chủ phương tiện... tìm một giải pháp tối ưu, hợp tình, hợp lý để TDLSH vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả!

 

Theo Dang Thanh - Bao Thua Thien Hue
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.033.052
Truy cập hiện tại 1.451