Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2007 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2008
Ngày cập nhật 13/01/2008

Ngày 12/1, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 2007 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2008. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự, lắng nghe đề xuất, kiến nghị của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp ngành GTVT và phát biểu chỉ đạo định hướng kế hoạch năm 2008 của ngành.

Phấn đấu giảm tai nạn giao thông cả 3 chỉ tiêu số vụ, số người bị chết, số người bị thương:
Năm 2007, Bộ GTVT đã thực hiện triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo lưu thông trên các tuyến đường như: Quy định xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công trình đường bộ, phương tiện tham gia giao thông; giám sát chặt chẽ công tác đăng kiểm xe cơ giới, sát hạch đào tạo cấp bằng lái xe; triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; xử lý các điểm đen hay gây tai nạn trên các tuyến đường.
Sau một thời gian ráo riết triển khai đồng bộ các biện pháp, đến tháng 8/2007, tình hình tai nạn đã giảm so với cùng kỳ năm 2006. Tai nạn giao thông 6 tháng cuối năm 2007 giảm 7,3% số vụ; 4,95% về người bị chết và 14,2% số người bị thương.

Năm 2007, ngành GTVT đã làm mới, nâng cấp, cải tạo hơn 900 km đường bộ, xây dựng mới hơn 10.000 m cầu, 2.000 m cảng biển với năng lực tăng thêm trên 8 triệu tấn/năm.
Tổng sản lượng vận tải trong các ngành vận tải đường thủy nội địa, đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển đều tăng. Năm 2007, toàn ngành vận tải đạt 345 triệu tấn hàng - 107,4 tỷ T.Km tăng tương ứng 9,3% và 14,5% so với 2006; vận tải hành khách  đạt 1.479 triệu lượt khách - 62,8 tỷ HK.Km tăng tương ứng 9,1% và 9,4% so với 2006.

Giá trị sản xuất công nghiệp GTVT đạt 20.490 tỷ đồng, tăng 47% so với 2006, trong đó công nghiệp tàu thủy tăng 67% về sản lượng, 76,2% về doanh thu so với 2006.
Tiếp tục phát huy những thành tựu của năm 2007, sang năm 2008, toàn ngành GTVT tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành để bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Năm 2008, toàn ngành tập trung vào tăng cường năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải, đảm bảo chất lượng cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm quốc gia như tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 3 (Hà Nội-Thái Nguyên), cơ sở hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long, cầu Đồng Nai, tuyến đường sắt Vinh - Thành phố Hồ Chí Minh, cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong…
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án quy hoạch mới như: Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển đường biển Việt Nam đến 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.
Phấn đấu giảm tai nạn giao thông cả 3 chỉ tiêu số vụ, số người bị chết, số người bị thương so với năm trước.

Các chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu trong năm 2008 của ngàng GTVT:
Vận tải hàng hóa tăng 9,5% về tấn vận chuyển và 10 tới 10,5% về T.Km. Vận tải hành khách tăng 9% về lượt khách và 9,5% về HK.Km. Hàng thông qua cảng biển tăng 13%.
Tổng số vốn xây dựng cơ bản phấn đấu giải ngân đạt 27.521 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 39,7% so với 2007; trong đó công nghiệp tàu thủy tăng 45,1%, công nghiệp cơ khí tăng 11,2%. Doanh thu tăng 43,9% so với 2007; trong đó công nghiệp tàu thủy tăng 53%, công nghiệp cơ khí tăng 8,7%.

Ảnh: PTT Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức tại Hội nghị

Năng lực cạnh tranh của ngành giao thông vận tải quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực, nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng cho phát triển của ngành GTVT. “Mặc dù năng lực của ngành GTVT trong năm 2007 chỉ tăng thêm 0,4% so với 2006, tuy nhiên năng lực GTVT lại tăng 15%. Điều này cho thấy những cố gắng của toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành GTVT trong việc đáp ứng nhu cầu GTVT của xã hội”.
Phó Thủ tướng bày tỏ thông cảm với những khó khăn, thách thức mà ngành GTVT đang phải đối mặt đó là thiên tai bão lũ, tình hình giao thông hết sức phức tạp và tốc độ phát triển kinh tế nhanh gây ra nhiều biến động bất thường.
Hiện nay, ngành GTVT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tình trạng quá tải của các tuyến đường, sân bay, cảng biển, đang gây ra áp lực lớn cho sự phát triển của đất nước, đồng thời ảnh hưởng đến sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Công tác giải ngân các dự án còn rất chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Để có đủ khả năng tiếp nhận các dự án đầu tư lớn từ bên ngoài cũng như trong nước thì cơ sở hạ tầng như điện đường trường trạm phải đi trước một bước. Đây là trách nhiệm lớn Chính phủ giao cho ngành GTVT phải thực hiện tốt.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT cần nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng quy hoạch ngành, tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng các phương tiện tham gia giao thông, chất lượng và tiến độ của các công trình giao thông. “Muốn nâng cao chất lượng các công trình giao thông thì năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải đạt chuẩn và liên tục được nâng cao, đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm chỉnh”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam không thể trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nếu cơ sở hạ tầng lạc hậu, kém chất lượng và quá tải. Cơ quan nhà nước phải đầu tư chất xám, công nghệ và đổi mới cung cách, tư duy làm việc, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế thi công thì ngành GTVT mới phát triển vững mạnh và hiện đại”.
Ngành GTVT cần thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp chống ùn tắc giao thông, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và phải làm gương cho người dân thực hiện theo.
Trong việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về GTVT trước những khó khăn do cơ chế, do sự phối hợp lỏng lẻo từ các ngành, địa phương, Bộ GTVT có thể trực tiếp đề xuất các cơ chế ưu đãi riêng cho những dự án này để trình Chính phủ phê duyệt.
“Việt Nam phải nâng cấp nhanh chóng cơ sở hạ tầng để đủ khả năng đón nhận luồng đầu tư nước ngoài từ nay đến năm 2010, nếu không chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội để phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu đặt ra cho ngành GTVT trong giai đoạn tới.

Theo Website Chính phủ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 111