Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
THÚC ĐẨY THỰC HIỆN TIẾP CẬN VÀ THAM GIA GIAO THÔNG ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Ngày cập nhật 03/04/2017

1. Các chính sách của nhà nước đối với người khuyết tật

Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 13/12/2006, có hiệu lực từ ngày 03/5/2008. Việt Nam đã ký Công ước từ ngày 22/10/2007 và được Quốc hội phê chuẩn ngày 28/11/2014 và chính thức có hiệu lực ngày 05/02/2015 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Từ khi ký Công ước đến khi Công ước có hiệu lực là cả một thời gian dài nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các văn bản phù hợp với Công ước quốc tế về người khuyết tật, như Luật số 51/2010/QH12 của Quốc hội về người khuyết tật ngày 01/01/2011, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 phê duyệt Đề án trợ giúp Người khuyết tật (NKT), chứng tỏ sự quan tâm đến NKT của Nhà nước ta.

Ngày 21/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1100/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 06/10/2015 về việc thành lập Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam.

Đối với ngành GTVT đã có nhiều chương trình, văn bản thực hiện các quyết định của Thủ tướng về triển khai thực hiện Công ước về quyền của NKT như: miễn giảm giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng cho người khuyết tật, xây dựng và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về phương tiện phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận, hệ thống hạ tầng giao thông như điểm dừng, nhà chờ, nhà ga… phải bố trí khu vực cho NKT. Ngày 26/02/2016, Bộ trưởng BGTVT đã ban hành Quyết định số 563/QĐ-BGTVT về thành lập tiểu ban về NKT trong lĩnh vực GTVT.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2560/QĐ-UBND ngày 05/11/2015 về việc phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ cho Dự án "Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2015-2018 tại tỉnh Thừa Thiên Huế", thành lập Ban quản lý dự án hỗ trợ NKT giai đoạn 2015-2018; Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Thực trạng triển khai giao thông tiếp cận của NKT trong ngành GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế

- Sở GTVT đã có văn bản đến các DN, HTX kinh doanh vận tải, tùy theo Phương án kinh doanh của đơn vị mình để thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho NKT tham gia giao thông và thực hiện đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó quy định phải có chỗ ngồi ưu tiên cho NKT, NCT… thực hiện từ ngày 01/01/2016 (Đối với xe đăng ký khai thác kinh doanh vận tải lần đầu) và 01/7/2017 (đối với xe ô tô đang khai thác). Nghiêm cấm việc phân biệt đối xử với NKT hoặc có thái độ kỳ thị NKT;

- Thường xuyên nhắc nhở các DN khai thác bến xe bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho NKT, tăng cường dịch vụ phục vụ NKT như ưu tiên xếp hàng mua vé, được phục vụ nước uống…;

- Duy trì việc thực hiện làn đường lên xuống vỉa hè cho xe lăn của NKT (Huế là địa phương duy nhất thực hiện). Một số tuyến đường xây dựng làn đường cho xe thô sơ để xe lăn của NKT có thể tham gia.

Bên cạch những việc làm trên, Sở GTVT đã bố trí cán bộ có chức danh tham gia các cuộc hội thảo về giao thông tiếp cận nhằm hiểu rõ hơn các nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của NKT; nghiên cứu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến tiếp cận giao thông của NKT, trên cơ sở đó tham mưu các chính sách của địa phương dành cho NKT một cách phù hợp.

3. Khó khăn, hạn chế

Mặc dù có những cố gắng thiết thực phục vụ NKT tham gia giao thông nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định:

- Nhận thức của người lãnh đạo các cơ sở tiếp cận giao thông như bến xe, bến thủy nội địa, DN, HTX kinh doanh vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ còn hạn chế, xem việc NKT tham gia giao thông là việc của NKT;

- Một số bến xe chưa có chỗ ngồi dành riêng cho NKT và không có dịch vụ riêng cho NKT;

- Bến thủy nội địa chưa làm đường dốc để xe lăn tiếp cận tàu hoặc không có (không cử) người giúp đỡ NKT khi lên tàu;

- Mặc dù có những ưu tiên về xếp hàng mua vé nhưng NKT chưa được nhân viện phục vụ trên xe hoặc nhân viên bến xe, bến thủy quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ về vận chuyển hành lý mà phải tự thuê dịch vụ vận chuyển ra ngoài;

- Chưa tổ chức tập huấn cho lái xe và nhân viên phục vụ, nhân viên bến xe, bến tàu về việc phải có trách nhiệm hỗ trợ NKT;

- Việc giảm giá vé cho NKT không đồng đều và thường xuyên tại các DN, HTX kinh doanh vận tải, việc giảm cũng làm chiếu lệ, qua loa…, mức giảm chưa phù hợp với thu nhập của NKT;

- Đã có chính sách về phương tiện xe khách theo lộ trình của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP nhưng việc thực hiện không thống nhất trong phạm vi cả nước, không có sự giám sát việc thực hiện và chưa có chế tài thực hiện. Chưa thực hiện việc đầu tư các phương tiện xe buýt gầm thấp để NKT dễ tiếp cận;

- Bộ XD đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị QCVN 07 : 2016/BXD nhằm tạo điều kiện cho NKT dễ dàng trong tiếp cận các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị nhưng việc thực hiện trong thực tế là không dễ dàng;

- Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền của NKT và giao thông tiếp cận của NKT không được quan tâm đúng mức.

Nói chung, việc thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT chỉ dừng ở mức độ ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành. Để các văn bản đó đi vào thực tế thì cần phải có thời gian nhất định, trong đó việc quan trọng nhất là phải tăng cường nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở đầu mối giao thông về quyền của NKT.

4. Một số giải pháp

Để khắc phục những khó khăn và hạn chế trên, tôi xin đề nghị một số giải pháp thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với NKT, như sau:

- Tiến hành rà soát trên địa bàn tỉnh đối với các lĩnh vực giao thông, tại các đầu mối giao thông, các DN, HTX kinh doanh xe buýt, tuyến cố định nhằm mục đích tuyên truyền đến các chủ DN, HTX về giao thông tiếp cận của NKT, các chủ trương, chính sách của nhà nước đối với NKT, như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 phê duyệt Đề án trợ giúp NKT; Quyết định số 1100/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật. Rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng các đầu mối giao thông theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận của NKT;

- Việc thẩm định các dự án giao thông cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến NKT;

- Có văn bản đề nghị với Bộ GTVT đưa vấn đề tiếp cận giao thông của NKT vào giáo trình tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên tại các đầu mối giao thông…Trên cơ sở đó kiểm tra việc tổ chức các lớp tập huấn cho các nhân viên này về kỹ năng, thái độ và cách thức hỗ trợ NKT nhằm tạo điều kiện cho NKT tham gia giao thông. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm về giao thông tiếp cận của NKT;

- Tăng cường công tác tuyên truyền cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ, nhân viên tại các đầu mối giao thông…hỗ trợ NKT bằng các hình thức như in tờ rơi, hoặc các bài viết, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho DN, HTX kinh doanh vận tải bằng xe buýt đầu tư phương tiện xe buýt gầm thấp;

- Chỉ đạo các DN xe buýt, tuyến cố định thực hiện nghiêm việc giảm giá vé cho NKT nặng và đặc biệt nặng và yêu cầu đơn vị tham gia vận tải công cộng phát hành vé giảm giá cho người khuyết tật được quy định tại Điều 12 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.

Trên đây là một số ý kiến tham gia hội thảo của ngành GTVT Thừa Thiên Huế. Để chính sách của nhà nước đối với NKT đi vào thực tế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không phải của riêng ngành nào. 

Phạm Quang Hồng - Trưởng phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện - Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 798