Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ
Ngày cập nhật 04/12/2009

Đảm bảo chất lượng bằng lái, đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng về số lượng người học lái xe, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông đang là những yêu cầu bức xúc. Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, bàn giải pháp chấn chỉnh và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này. Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng chủ trì hội nghị.

Áp lực từ nhu cầu

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN, vài năm trở lại đây, nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tăng mạnh. Tổng số GPLX đã cấp trên cả nước hiện nay lên đến hơn 24,5 triệu GPLX mô tô và hơn 2,1 triệu GPLX ô tô. Trong đó, riêng từ ngày 1/1/2008 đến 30/9/2009, cả nước đã cấp them hơn 3,4 triệu GPLX mô tô và gần 500 ngàn GPLX ô tô.

Là nước đang phát triển, trong những năm tới số lượng phương tiện cơ giới đường bộ của VN sẽ tiếp tục tăng nhanh. Theo Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 2,8 đến 3 triệu xe ô tô.

Theo đó, Cục ĐBVN dự kiến đến năm 2020 cả nước có khoảng 6 triệu người có GPLX ô tô, công thêm nhu cầu phải bù đắp 4% số lượng người lái xe hết tuổi lao động, thì trong khoảng thời gian 11 năm này cần đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ô tô cho khoảng 4,8 triệu người có nhu cầu, tức là mỗi năm trung bình cần đào tạo, sát hạch, cấp mới GPLX ô tô cho 430.000 người - trung bình lớn hơn 150% hiện nay.

Trong khi đó, cả nước hiện có 217 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trong đó có 150 cơ sở công lập và 67 cơ sở của các thành phần kinh tế khác. Số cơ sở thuộc ngành GTVT là 38 (trong đó 11 cơ sở thuộc Bộ GTVT và 27 cơ sở thuộc các sở GTVT), 25 cơ sở thuộc ngành Lao động &TBXH, 8 cơ sở thuộc Bộ Công an, 26 cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng, 10 cơ sở thuộc Bộ NN&PTNT, 8 cơ sở thuộc Bộ Công thương, 12 cơ sở thuộc Bộ GD&ĐT, 15 cơ sở thuộc UBND các tỉnh, thành phố, 45 cơ sở thuộc các doanh nghiệp, 19 cơ sở tư thục, 6 cơ sở thuộc các tổ chức xã hội, nghề nghiệp như Hội Kĩ sư cơ khí ô tô, Hiệp hội vận tải ô tô, Tổng liên đoàn LĐVN... Ngoài các cơ sở đào tạo lái xe ô tô hoặc vừa đào tạo lái xe ô tô vừa đào tạo lái xe mô tô này, cả nước còn có 409 cơ sở chuyên đào tạo lái xe mô tô và máy kéo (đến 1.000kg) được các sở GTVT cấp phép.

Số lượng giáo viên là gần 12 ngàn người, trong đó có 9.430 giáo viên dạy thực hành và 3.298 giáo viên dạy lý thuyết. Với nhu cầu đào tạo ngày càng tăng mạnh theo ông Nguyễn Văn Quyền, Cục Phó Cục Đường bộ VN, chúng ta đang rất thiếu giáo viên dạy lái xe, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đào tạo, sát hạch là khâu hết sức quan trọng. Sát hạch nghiêm có tác động tích cực đến công tác đào tạo, hạn chế tiêu cực, giúp đảm bảo chất lượng bằng lái xe. Hệ thống các câu hỏi lý thuyết và bài thi thực hành sát hạch được Bộ GTVT xây dựng và ban hành theo sát nội dung sát hạch của các nước tiên tiến trong khu vực. Bộ đề thi lý thuyết đã tăng thêm 105 câu so với đề cũ phủ kín các nội dung cần biết của người lái xe.

Những năm gần đây, Bộ GTVT đã tích cực chỉ đạo hướng dẫn đầu tư xây dựng các trung tâm sát hạch hiện đại theo hướng xã hội hóa phù hợp với quy hoạch và tiêu chuẩn ngành, nên trong một thời gian không dài, trong cả nước đã đàu tư xây dựng 54 trung tâm sát hạch lái xe ô tô hiện đại, với 31 trung tâm loại 1 và 23 trung tâm loại 2 thuộc đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, được phân bố hợp lý, đáp ứng thuận lợi nhu cầu của người dân các địa phương trên cả nước, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, hạn chế đáng kể tiêu cực.

Xã hội hóa nhưng phải kiểm soát chặt chất lượng

Theo đánh giá của Cục ĐBVN, trong thời gian qua, đặc biệt với 2 năm thực hiện chủ trương của Bộ GTVT về nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đã có sự tập trung nỗ lực rất lớn của các ban ngành liên quan. Nhờ đó, hệ thống văn bản quản lý được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp thực tiễn và minh bạch hơn.

Cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, sát hạch vien được tăng cường, từng bước chuẩn hóa. Năng lực đào tạo, sát hạch có tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, công tác kiểm tra, cấp chứng chỉ có nền nếp hơn trước. Các kì sát hạch được công khai, minh bạch, đạt kết quả khách quan hơn. Quá trình quản lý đào tạo sát hạch, cấp GPLX đã gắn chặt với công tác phòng chống tham nhũng, cảI cách hành chính, thanh kiểm tra, tiếp thu và giảI quyết kịp thời các bức xúc của xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo, sát hạch lái xe vẫn còn nhiều tồn tại. Quy định về học phí chưa được điều chỉnh phù hợp nên việc thực hiện nội dung, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo còn khó khăn. (Tới đây, mức lệ phí mới sẽ được xây dựng dựa trên định mức xăng dầu linh hoạt hơn, giúp các cơ sở chủ động điều chỉnh phù hợp với giá xăng dầu liên tục biến động).

Giáo trình đào tạo môn học Đạo đức người láI xe còn đơn giản, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Trên thực tế, những lỗi gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng phần lớn là do lỗi chủ quan của người lái. Ngoài ra, việc thực hiện nội dung chương trình đào tạo của nhiều cơ sở chưa nghiêm túc, các tiết học lý thuyết được tổ chức hình thức, đại khái. Việc kiểm tra kết thúc môn học và kiểm tra cấp chứng chỉ chưa nghiêm, môt số cơ sở đào tạo quá lưu lượng cho phép. Bên cạnh đó, còn tình trạng các cơ sở tuyển sinh qua trung gian, thu tiền ngoài quy định…

Chủ trì thảo luận và lắng nghe các ý kiến phát biểu của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã có ý kiến chỉ đạo: Mục tiêu chung của công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa, phát huy nguồn lực trong xã hội đáp ứng nhu cầu học, thi lấy GPLX của người dân theo hướng ngày càng văn minh, thuận lợi nhưng nhất thiết phải đảm bảo chất lượng.

Các cơ sở đào tạo lái xe cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất: phòng học, xe tập lái, sân bãi, thiết bị, quan tâm đến tuyển chọn, bồi dưỡng lực lượng giáo viên dạy nghề, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến giảng dạy đạo đức lái xe cho học viên, thực hiện nghiêm các quy trình, chương trình đào tạo, đánh giá học viên. Trong bối cảnh đó, vai trò của quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là hết sức quan trọng.

Cần lắng nghe những ý kiến phản biện xã hội của người dân, nghiêm túc với những thiếu sót, tiêu cực, không né tránh, để tích cực giải quyết. Triển khai tốt Luật GTĐB (sửa đổi) và rà soát tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng đào tạo, sát hạch, công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Làm tốt công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, nâng cao chất lượng GPLX chắc chắn sẽ góp phần cải thiện tình hình trật tự ATGT, giám thiểu TNGT đường bộ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã biểu dương và trao Bằng khen cho 9 tập thể và 10 cá nhân có thành tích trong công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe năm 2008 - 2009 tại khu vực phía Bắc.

Phương Dung - Nguyễn Nga (Báo GTVT)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 1.364