Tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa
Tại ĐBSCL, Sóc Trăng là một trong những địa phương đẩy mạnh thực hiện “luồng xanh” đường thủy để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, đồng thời bảo đảm phòng, chống Covid-19. Theo ông Trần Quốc Thống, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Sóc Trăng, hiện nay hoạt động vận tải hàng hóa trên “luồng xanh” rất thuận lợi. Bên cạnh các tuyến đường bộ, vận tải hàng hóa đường thủy cũng được bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Lưu thông hàng hóa thiết yếu ổn định, không xảy ra ùn tắc trên địa bàn tỉnh. Trong tám tháng năm 2021, vận tải hàng hóa của tỉnh đạt hơn 29 triệu tấn, tương đương 64% kế hoạch.
Để bảo đảm vận tải hàng hóa an toàn, Sở GTVT có hướng dẫn rất cụ thể cho các chủ phương tiện trong và ngoài tỉnh. Theo đó, yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa; thực hiện khai báo y tế điện tử trên các ứng dụng điện tử hay khi qua các chốt kiểm soát dịch; có sổ ghi chép lại lịch trình vận chuyển hàng hóa đến các địa điểm trong địa bàn tỉnh hằng ngày.
Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, do đang bước vào mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy là rất lớn, hơn nữa việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải đường thủy đang được tăng cường. Phòng Cảnh sát giao thông đã chủ động phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, kết hợp tạo “luồng xanh” vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa vừa thực hiện chống dịch hiệu quả.
“Ngoài thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế thì người tham gia giao thông đường thủy nội địa còn phải mặc áo phao khi qua đò, qua phà. Chủ phương tiện phải trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi để sử dụng trong suốt lịch trình di chuyển”, Đại tá Khả khuyến cáo.
Lợi thế từ “luồng xanh” đường thủy
Trong những ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT TP đã phối hợp với Sở Công thương cùng một số địa phương phía nam triển khai “luồng xanh” đường thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, san sẻ “gánh nặng” cho vận tải đường bộ, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Là đơn vị triển khai “luồng xanh” đường thủy đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (GreenlinesDP) đã chuyển hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu, nông sản từ các tỉnh, thành phố miền Tây đi lên TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, khó khăn hiện nay là các cảng tiếp nhận, các phương tiện vận chuyển và chuỗi cung ứng chưa đồng bộ, gây nên ách tắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
Tổng Giám đốc Greenlines DP Trần Song Hải nhận định, “luồng xanh” đường thủy được triển khai trong giai đoạn này rất phù hợp, bởi các tỉnh, thành phố phía nam có hệ thống sông, rạch dày đặc, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là quá trình đi lại, khi các địa phương thiếu thống nhất trong việc cấp “giấy thông hành”. “Nhiều thời điểm các chuyến tàu cập bến phải chờ đến cả tuần mới có hàng để vận chuyển, trong khi mỗi tàu cần chạy 5 chuyến/ngày với khối lượng hàng hóa khoảng 100 tấn để vận chuyển về TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, cao điểm nhất cũng chỉ vận chuyển được 2 chuyến/tuần, với lượng hàng hóa 40 tấn, rất thấp so nhu cầu thực tế”, ông Hải cho biết.
Từ khó khăn trên, ông Hải kiến nghị các sở, ngành TP Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận chuyển. Đồng thời, phối hợp linh hoạt và đồng bộ với các tỉnh, thành phố để việc thu gom và vận chuyển nông sản thuận lợi. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần chủ động làm việc với lãnh đạo các địa phương có luồng đường thủy chạy qua để có kế hoạch thống nhất thì vận tải đường thủy mới mang lại hiệu quả, từ đó thu hút các doanh nghiệp tham gia vận chuyển hàng hóa.
Là địa phương khởi xướng và cho hoạt động “luồng xanh” đường thủy đầu tiên, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho hay, qua hơn 1,5 tháng hoạt động “luồng xanh” đường thủy, TP Hồ Chí Minh đã nhận được hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu, nông sản từ các tỉnh miền Tây chở lên để cung cấp cho thành phố trong thời điểm giãn cách xã hội hiện nay. Tuy nhiên, do chính sách kiểm soát dịch bệnh ở mỗi địa phương khác nhau nên thời gian vận chuyển hàng hóa thường bị chậm, giảm chất lượng nông sản khi tới tay người tiêu dùng. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động kiến nghị nhiều giải pháp linh hoạt với Bộ GTVT cũng như các địa phương để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển trong quá trình hoạt động.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương, thời gian qua, các sở, ngành, thành phố tích cực phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương thực hiện phương án vận chuyển hàng hóa bằng “luồng xanh” đường thủy. Sở Công thương đang tiếp nhận nhu cầu vận chuyển của các doanh nghiệp. Thời gian các chuyến tàu lưu thông trên tuyến từ 6 đến 19 giờ hằng ngày và sẽ điều chỉnh tăng cường số chuyến vận chuyển trong ngày cũng như thời gian hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế.