Tìm kiếm tin tức

 

Festival Huế 2008 - Đại tiệc của những lễ hội
Ngày cập nhật 11/05/2008
Festival Huế 2008 diễn ra từ ngày 3 - 11/6/2008 là Festival được tổ chức lần thứ 5 tại Cố đô có sự tham gia kỷ lục của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước với 40 chương trình thuộc 20 quốc gia trên thế giới.
Với tư cách là chủ nhà, thành phố Huế đã có sự chuẩn bị công phu cho các chương trình hoạt động trong dịp lễ hội đặc biệt này.
Ngay từ sau khi kết thúc Festival 2006, Huế đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Festival 2008. Năm nay, theo chương trình, đơn vị chủ nhà sẽ tổ chức 7 lễ hội lớn; ngoài 3 lễ hội đã được tổ chức khá thành công trong Festival trước là Lễ Nam Giao, Đêm Hoàng Cung và Lễ hội Áo dài sẽ được tái hiện lại với nhiều nội dung mới, còn có 4 lễ hội hoàn toàn mới là: Lễ Đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, Lễ tế Xã Tắc, Lễ thi Tiến sỹ Võ và Huyền thoại sông Hương.  
 
Các chương trình lễ hội mới:
Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung: Đây là lễ hội nhằm tôn vinh truyền thống hào hùng bất khuất của dân tộc và của vùng đất cố đô. Năm 1788, vị anh hùng dân tộc Nguyễn Văn Huệ đã cho san đắp ngọn núi Bân để làm đàn tế trời, rồi lên ngôi với niên hiệu Quang Trung để chính danh ngôi đế, quy tụ lòng dân trước khi kéo đại quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trung sẽ được tái hiện một cách hoành tráng tại di tích lịch sử núi Bân với sự tham gia nòng cốt của hàng trăm diễn viên và vỗ sinh Huế, Nhạc Võ Tây Sơn-Bình Định. Để chuẩn bị cho lễ hội này, từ năm 2007 đến nay, dự án tôn tạo khu vực núi Bân rộng 23ha đã được tiến hành khẩn trương. Kịch bản cho lễ hội cũng đã được bàn bạc và xây dựng chi tiết. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng của hãng phim truyện Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh sẽ đạo diễn chương trình này. Chắc chắn đây sẽ là một lễ hội hấp dẫn với nhiều du khách và người dân địa phương.

Lễ tế Xã Tắc vốn là một nghi lễ cung đình quan trọng diễn ra mỗi năm 2 lần vào mùa xuân và mùa thu dưới thời Nguyễn. Đây là nghi lễ cúng thần Đất (Xã) và thần Ngũ Cốc (Tắc) với mong ước mùa màng được bội thu, nhân dân no ấm. Để phục vụ cho nghi lễ này, từ đầu triều Nguyễn, vua Gia Long đã cho đắp đàn Xã Tắc ở phía tây Hoàng thành bằng đất sạch của tất cả các địa phương trong nước góp về, và đây cũng là đàn Xã Tắc còn tương đối nguyên vẹn hơn cả trong các di tích đàn Xã Tắc tại Việt Nam. Tái hiện lễ tế ở đàn Xã Tắc không chỉ là việc phục dựng, bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống mà còn là sự tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang khẩn trương tiến hành dự án thám sát khảo cổ học khu di tích đàn Xã Tắc đồng thời phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng lập dự án tu bổ cho di tích này. Kịch bản lễ tế Xã Tắc cũng đã được xây dựng xong. Theo dự kiến, sẽ có đoàn ngự đạo (khoảng trên 300 người tham gia với đủ các nghi vệ, cờ quạt) xuất phát từ cửa Ngọ Môn đi đến đàn Xã Tắc, sau đó sẽ thực hiện nghi lễ tế Xã Tắc một cách nghiêm trang như đã từng diễn ra trong lịch sử.

Lễ thi Tiến sĩ Võ: Đây là lễ hội nhằm tôn vinh truyền thống võ học của dân tộc, đồng thời tạo ra một sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo. Tại kinh đô Huế trong thời Nguyễn, triều vua Minh Mạng đã cho xây dựng Võ Miếu (bên cạnh Văn Miếu) để tôn vinh võ học và những người có công lao với đất nước. Triều đình đã tổ chức được 3 kỳ thi Tiến sĩ Võ, chọn được 12 vị Tiến sĩ và 22 vị Phó bảng. Các vị Tiến sỹ Võ này cũng được khắc tên trên bia đá, dựng tại sân Võ Miếu. Tuy nhiên, ngày xưa kỳ thi tiến sĩ Võ tại kinh đô kéo dài trong cả tháng trời với nhiều kỳ thi khác nhau nên việc tái hiện các kỳ thi trên dưới dạng một lễ hội chỉ có thể mang tính cách điệu. Theo kịch bản, Lễ hội thi tiến sĩ Võ trong Festival lần này sẽ được tổ chức tại khu vực quảng trường Phu Văn Lâu-Nghênh Lương Đình. Đây là khoảng không gian rất đẹp, vừa gần đường quốc  lộ 1A vừa nằm sát sông Hương. Nội dung lễ hội là sự kết hợp giữa kỳ thi chung khảo tiến sĩ Võ và sự thao diễn của các tiết mục võ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Ban tổ chức Festival Huế đã có được sự hưởng ứng rất tích cực của các lò võ cổ truyền tại địa phương và Liên đoàn Võ thuật Việt Nam. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị được giao chủ trì lễ hội này cũng đã hoàn thành kịch bản và đang tích cực chuẩn bị nhân lực, vật lực cho công tác dàn dựng, tập luyện.

Khác với các lễ hội truyền thống trên, Huyền thoại sông Hương là một sản phẩm hoàn toàn mới để phục vụ du lịch và hoạt động quảng diễn trong dịp Festival. Dòng Hương xinh đẹp của Huế vốn gắn liền với vô số huyền thoại mê đắm lòng người. Tổ chức một Tour du dịch từ thượng nguồn về miền hạ lưu để khám phá những huyền thoại ấy kết hợp với việc thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của dòng sông từ khi hoàng hôn đến lúc đêm khuya quả là một ý tưởng tuyệt vời; thêm vào đó du khách sẽ được thưởng thức tiệc cung đình trên thuyền và tham dự chương trình dạ nhạc tại bến Phu Văn Lâu trước khi kết thúc chuyến đi. Ban tổ chức Festival đã giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì chương trình này. Để chuẩn bị, Trung tâm đã cho đóng một chiếc thuyền cung đình bằng gỗ mang dáng dấp của thuyền Tế Thông của hoàng đế triều Nguyễn, rộng 6,5m, dài 27m, có thể chở tối đa đến 100 khách. Theo kịch bản dự kiến, chiếc thuyền cung đình trên sẽ là trung tâm của đoàn thuyền du lịch rong ruổi từ ngả ba Bằng Lãng (gần bến vào lăng vua Minh Mạng) về đến Phu Văn Lâu. Còn sân khấu dành cho hoạt động quảng diễn sẽ được dựng ngay trên bến sông lịch sử này.    

Và những chương trình lễ hội được làm mới về nội dung:

Cùng với những chương trình lễ hội mới kể trên, những lễ hội truyền thống từng được tổ chức trong những kỳ Festival trước nay cũng được xây dựng bổ sung nội dung mới nhằm tăng sức hấp dẫn của chương trình.

Lễ tế Nam Giao lần này sẽ tập trung các nghi thức tế tại đàn tế. Theo kịch bản, đoàn ngự đạo sẽ xuất phát từ Trai Cung (phía tây bắc đàn tế) đi đến đàn chính. Nghi lễ tế giao sẽ được tổ chức một cách trang nghiêm, hoành tráng và chân xác như từng diễn ra dưới thời Nguyễn. Lễ Nam Giao lần này chắc chắn sẽ hấp dẫn vì toàn bộ phần nhạc múa được chuẩn bị rất công phu. Nhất là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị chủ trì lễ hội, đã phối hợp cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi đủ 128 bộ trang phục vũ công dành cho múa Bát dật Văn và Bát dật Võ để phục phụ lễ tế.


Đêm Hoàng Cung vốn là một lễ hội được tố chức rất thành công trong Festival 2006. Đó là sự tái hiện đời sống muôn sắc màu của chốn Hoàng cung khi màn đêm buông xuống. Sau Festival 2006, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế biến Đêm Hoàng Cung thành một sản phẩm du lịch độc đáo bằng việc tổ chức định kỳ 6 lần mỗi tháng. Cuối năm 2007, cùng với Nhã nhạc cung đình Huế, Đêm Hoàng Cung đã được trao Cúp Vàng Thương hiệu Việt hội nhập WTO. Chương trình Đêm Hoàng Cung lần này sẽ được tái khởi động từ ngày 29/3 và sẽ được tổ chức đều đặn mỗi tháng 4 lần. Đêm Hoàng Cung sẽ được hoàn thiện dần và trở nên đặc biệt lộng lẫy, hoành tráng trong các ngày 3, 6 và 9-6 tại Festival qua sự chỉ đạo nghệ thuật của đạo diễn Lê Quý Dương.

Lễ hội Áo dài vốn là một nét đặc trưng của Festival Huế qua suốt cả 4 kỳ tổ chức trước đây. Cũng bởi vì Huế vốn là quê hương của chiếc áo dài Việt Nam. Lần này, không gian tổ chức lễ hội áo dài được xác định tại khu vực trước cửa Hiển Nhơn. Chiếc cổng 2 tầng gắn đắp nổi sành sứ tuyệt đẹp này sẽ làm nền cho các tà áo dài duyên dáng Việt.

Với những chương trình lễ hội phong phú, mới lạ cả về hình thức và nội dung, hàng chục hoạt động văn hoá và lễ hội cộng đồng đầy sắc thái khác, Festival Huế 2008 nhất định sẽ là một điểm đến hết sức hấp dẫn đối với du khách bốn phương.
Theo Trung tâm Festival Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 596