Tìm kiếm tin tức
Tin chính
Quay lại12345Xem tiếp
Về việc tập trung ứng phó với siêu bão Goni (bão số 10) trên biển Đông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Ngày cập nhật 02/11/2020

CÔNG ĐIỆN KHẨN

Về việc tập trung ứng phó với siêu bão Goni (bão số 10) trên biển Đông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI điện

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

- Các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam;

- Cục Quản lý đường bộ II, III và IV;

- Các TCT: Hàng hải, Đường sắt, các hãng Hàng không;

- Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam;

- Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam;

- Các Sở GTVT:Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

           Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay siêu bão Goni đang hoạt động phía đông Phi-lip-pin, dự báo di chuyển nhanh, 24 đến 48 giờ tới sẽ đi vào biển Đông. Thời gian qua, bão, mưa lớn liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là các khu vực ven biển.

          Triển khai Công điện số 34/CĐ-TW ngày 31/10/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc triển khai ứng phó với siêu bão Goni (bão số 10).

          Để chủ động ứng phó với siêu bão Goni (bão số 10) sẽ đi vào biển Đông trong những ngày tới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:

  1. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện số: 1500/CĐ-TTg ngày 28/10/2020, Công điện số: 1503/CĐ-TTg ngày 29/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30/10/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn công trình xung yếu.

2. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

4. Cục Hàng hải Việt Nam

- Chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải hướng dẫn tàu thuyền khi rời cảng biết tình hình và hướng di chuyển của bão để các tàu biết khi hành trình không đi vào vùng nguy hiểm, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra.

- Chỉ đạo Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam điều động các tàu SAR đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.     

  5. Tổng cục Đường bộ Việt Nam

          - Chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ II, III và IV chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông.

- Tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.

 6. Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

- Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đọan đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước...

- Chỉ đạo các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa, lũ của cơn bão số 9 và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; đặc biệt chú ý các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.

7. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam: Đôn đốc các đơn vị Quản lý đường thuỷ nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu. Hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đảm bảo an toàn; tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông trên các tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia.

 8. Cục Hàng không Việt Nam: chỉ đạo các Cảng hàng không, hãng Hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão Goni (bão số 10) để có phương án đóng mở sân bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động bay.

9. Các Sở Giao thông vận tải: phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị Quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt… tập trung triển khai nhân lực, vật tư, máy móc và thiết bị để thực hiện đảm bảo giao thông và khắc phục hậu quả của cơn bão số 9, đảm bảo giao thông (ĐBGT) bước 1 trên một số tuyến tỉnh lộ trọng điểm.

10. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục tùy thuộc vào diễn biến tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống đối với siêu bão Goni (bão số 10).

11. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Giao thông vận tải./.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.033.052
Truy cập hiện tại 1.410