Tổng cục Đường bộ VN vừa đề xuất Bộ GTVT phương án đầu tư, nâng cấp hệ thống giám sát hành trình (GSHT) đảm bảo chức năng trực tuyến, phát hiện ngay các hành vi vi phạm giao thông để cảnh báo cho chủ xe và lái xe.
Đơn vị này cho biết, hiện tại, hệ thống xử lý dữ liệu GSHT đang hoạt động gồm 19 máy chủ đặt tại Công ty CP Hanel. Với số lượng máy trên đã đáp ứng tiếp nhận và xử lý dữ liệu của trên 1 triệu phương tiện trên toàn quốc. Từ năm 2015 đến nay, Tổng cục Đường bộ chưa được bố trí nguồn kinh phí để duy trì và nâng cấp hệ thống máy chủ, đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải đường bộ. Do khó khăn về tài chính để đầu tư nâng cấp hệ thống nên vào tháng 9/2018, hệ thống đã bị quá tải khi số lượng phương tiện truyền dữ liệu theo lộ trình của Nghị định 86/2014 tăng nhanh.
Hệ thống hiện tại chưa đảm bảo có đủ tài nguyên để bổ sung các tính năng khác phục vụ yêu cầu quản lý của Tổng cục và các Sở GTVT, cũng như chưa thể cung cấp tài khoản cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Theo kế hoạch dự kiến, đến hết tháng 12/2018, hệ thống mới có thể tiếp nhận và tổng hợp, xử lý xong toàn bộ dữ liệu từ tháng 9 đến tháng 11/2018.
Từ thực trạng trên, Tổng cục Đường bộ đề xuất đầu tư, nâng cấp hệ thống phần mềm theo hướng mua bản quyền sử dụng phần mềm để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và đáp ứng các yêu cầu khai thác và sử dụng. Đối với hạ tầng phần cứng cần thuê các máy chủ, hệ thống lưu trữ và hạ tầng CNTT đã được Hanel đầu tư đảm bảo hệ thống không bị dừng hoạt động và khắc phục tình trạng sự cố trên. Thuê hoặc mua bản quyền sử dụng phần mềm hệ điều hành để tối ưu hóa hệ thống cũng như được sự hỗ trợ của các hãng về cập nhật bản vá lỗi thường xuyên.
Liên quan đến việc đảm bảo chức năng trực tuyến, phát hiện ngay các hành vi vi phạm (đi sai làn đường, quá tốc độ, ngắt thiết bị giám sát hành trình trong thời gian vận hành phương tiện để cảnh báo cho chủ xe và lái xe của hệ thống GSHT, Tổng cục Đường bộ cho biết, hệ thống GSHT hiện nay của Tổng cục đã có các chức năng giám sát trực tuyến trên nền bản đồ số, giám sát trực tuyến các phương tiện đang hoạt động, theo dõi được các phương tiện không có dữ liệu, chức năng giám sát các phương tiện quá tốc độ và kiểm tra và xem lại hành trình xe chạy.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ, các đơn vị kinh doanh vận tải đều có tài khoản truy cập vào phần mềm giám sát trực tuyến, giám sát và theo dõi các phương tiện để chấn chỉnh, nhắc nhở đối với các lái xe khi phát hiện vi phạm trên phần mềm giám sát trực tuyến. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng, giám sát và theo dõi các phương tiện thuộc đơn vị mình gặp nhiều khó khăn do lắp đặt thiết bị của nhiều đơn vị cung cấp khác nhau.
Để khắc phục và hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải theo dõi, khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải của đơn vị có hiệu quả nhất, Tổng cục Đường bộ dự kiến sau khi hạ tầng công nghệ thông tin cho phép đáp ứng và sẽ cung cấp tài khoản cho toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải để trực tiếp theo dõi, quản lý hoạt động của các phương tiện thuộc đơn vị mình quản lý.
Về chức năng cảnh báo cho lái xe, theo quy định tại QCVN 31:2014, thiết bị GSHT phải có chức năng cảnh báo cho lái xe khi lái xe chạy quá tốc độ hoặc khi thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ. Tổng cục Đường bộ cho biết, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện điều hành tập trung có bố trí bộ phận theo dõi thường xuyên trên phần mềm giám sát trực tuyến của đơn vị để đưa ra cảnh báo kịp thời đối với các trường hợp lái xe chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình hoặc lái xe quá 4 giờ.
Với chức năng giám sát trực tuyến đi sai làn đường, Tổng cục cho rằng, việc dựa trên toạ độ GPS thu nhận từ các thiết bị GSHT để xác định các phương tiện vận tải đi sai làn đường cần độ chính xác rất cao (dưới 1m); theo QCVN 31:2014/BGTVT cho phép sai số vị trí là dưới 10 m; trạng thái của khí quyển và các nguồn gây nhiễu khác cũng ảnh hưởng lớn tới độ chính xác của tín hiệu thu GPS. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ cho rằng việc dựa trên toạ độ GPS thu nhận từ các thiết bị GSHT để xác định các phương tiện vận tải đi sai làn đường là chưa khả thi ở thời điểm hiện nay.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ, bên cạnh việc thu nhận toạ độ GPS từ thiết bị, cần phải xây dựng một bản đồ mạng lưới đường giao thông điện tử chi tiết (trong đó có việc xác định chính xác toạ độ của từng làn đường) với độ chính xác cao là rất khó do chi phí việc xây dựng này rất tốn kém. Đồng thời, phải trang bị thêm thiết bị cảm biến đặt trên xe ô tô và nâng cấp hệ thống xử lý dữ liệu với quy mô có thể gấp nhiều lần như hiện nay mới có thể xác định được.
Từ đây, Tổng cục Đường bộ đề xuất giữ nguyên những chức năng đã có như hiện nay của hệ thống, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thuật toán để tăng thời gian truy cập và tìm giải pháp khả thi về mặt công nghệ, tài chính để bổ sung chức năng giám sát trực tuyến đi sai làn đường trong thời gian tới.
PV