Sau 3 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, trong bối cảnh kinh tế của cả nước nói chung và kinh tế của Thừa Thiên Huế nói riêng đang chịu những tác động từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, lạm phát tăng, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất tiếp tục tăng cao, biến đổi khí hậu, thiên tai gây bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân; song, với nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện các mục tiêu xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người đến năm 2011 đạt 1.300 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 37,4% (năm 2009) lên 38,9% (năm 2011); tỷ trọng ngành dịch vụ giữ ở mức 46%; tỷ trọng ngành nông lâm ngư nghiệp giảm từ 16,5% xuống còn 15,1%. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 18,5%/năm. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 376,9 triệu USD, tăng 2,6 lần so năm 2009. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa xã hội chuyển biến mạnh: Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2011 còn 9,16% theo chuẩn mới, dự ước năm 2012 giảm còn 7,8%. Cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh, đến cuối năm 2011, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn tỉnh là 65,3%, riêng khu vực nội thị (bao gồm thành phố Huế và các đô thị vệ tinh) đạt 83,4%; tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 34,7%. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 44%.
Về quy hoạch, phát triển hạ tầng, đô thị. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị được xúc tiến nhanh. Đã hoàn thành 04/17 quy hoạch đô thị, 11/17 quy hoạch đang được triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2012. Phối hợp với Tổ chức hợp tác Quốc tế KOICA Hàn Quốc lập đề án nâng cấp quy hoạch chung thành phố Huế (vùng lõi đô thị toàn tỉnh phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo định hướng thành phố trực thuộc Trung ương). Quan tâm phát triển đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị, đã thành lập thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Phú Đa theo các nghị quyết của Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh có 01 đô thị loại I, 02 đô thị loại IV, 08 đô thị loại V; tỷ lệ dân cư đô thị đến năm 2011 đạt 48%. Thị trấn Thuận An được ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình hạ tầng đạt chuẩn đô thị loại IV. Các trung tâm tiểu vùng Bình Điền, Điền Lộc, Thanh Hà, An Lỗ, La Sơn, Vinh Thanh được đầu tư đạt chuẩn đô thị loại V. Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư phát triển; hệ thống giao thông kết nối các đô thị được đầu tư hình thành; Hệ thống cấp nước sinh hoạt trong đô thị Huế và vùng phụ cận được nâng cấp, cải tạo; Hoàn thành dự án cải thiện môi trường đô thị Lăng Cô; Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản hoàn thiện
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục như công tác triển khai thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị vẫn còn lúng túng, nhất là ở cấp cơ sở. Một số chỉ tiêu về hệ thống thoát nước, cây xanh; thu gom xử lý chất thải; khu đô thị kiểu mẫu tuy vẫn chưa đạt. Nguồn lực đầu tư các thiết chế của trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Nhiều chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí nguồn lực hoặc bố trí quá ít nên gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện...
Đánh giá về công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, Tỉnh ủy nhận định: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, sự nỗ lực của tỉnh, của cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 5 năm (2006 - 2010) đạt trên 32.600 tỷ đồng. Đã tập trung đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, giáo dục - đào tạo, y tế và phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn, quan trọng như: đập và cầu Thảo Long, cầu Thuận An, cầu Tư Hiền, cầu Tam Giang, cầu và đường vào khu Cù Dù, đường La Sơn - Nam Đông, nâng cấp sân bay Phú Bài, mở cửa khẩu A Đớt, đê Đông - Tây Ô Lâu, kè Thuận An, thủy lợi Tây Hưng I; nâng cấp cảng cá Thuận An, xây dựng mới cảng cá Tư Hiền. Đã khởi công xây dựng các công trình hồ Tả Trạch, hồ Thủy Yên - Thủy Cam, thủy lợi Tây Nam Hương Trà, Quốc lộ 49A, đường 74, cầu qua sông Hương, các khu đô thị Đông Nam Thủy An, khu đô thị phức hợp Thủy Vân...
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Hạ tầng đô thị kém chất lượng, quá tải; một số công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch. Hạ tầng xã hội còn thiếu và hiệu quả sử dụng chưa cao vẫn còn một số cơ sở y tế, giáo dục trong tình trạng xuống cấp hoặc chưa được đầu tư. Hạ tầng giao thông còn yếu, thiếu đồng bộ; cảng biển, cảng hàng không chưa được đầu tư đúng mức để phát huy vị trí, vai trò và thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đại biểu Ngô Văn Tuân (đứng) tham gia ý kiến thảo luận
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, cần rà soát cụ thể từng chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể để bổ sung đối chiếu với các tiêu chí phân loại đô thị của Bộ Xây dựng và Chính phủ. Tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật của tỉnh còn thấp là do liên quan đến kinh phí, cơ chế. Một số chỉ tiêu về hệ thống thoát nước, cây xanh, thu gom chất thải rắn vẫn chưa đạt thì cần có hướng đầu tư, khắc phục hợp lý.
Về việc sửa chữa, nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài, đại biểu Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần xem xét lại quy trình, thời gian sửa chữa để làm sao có thể hoàn thành, đáp ứng lượng khách du lịch tham dự Festival Huế 2014.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm là các dự án trên địa bàn tỉnh phần lớn triển khai chậm là do gặp nhiều bất cập về giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư… Do vậy, các đại biểu đề nghị công tác giải phóng mặt bằng cần phải đi trước một bước, để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, các nhà thầu thi công dự án đúng tiến độ. Đại biểu Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế cho rằng, các cấp, các ngành trong thực thi các Kết luận và Đề án cần bám sát các mục tiêu cơ bản của Tỉnh ủy. Khi thực hiện cần có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; trong đó, ưu tiên tìm ra những giải pháp tối ưu cho giai đoạn tới, làm sao để biến tiềm năng, lợi thế của địa phương, cộng với cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh thành kết quả hiện thực trong cuộc sống, phấn đấu với quyết tâm cao nhất đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Đại biểu Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng hệ thống giao thông của tỉnh đã có nhiều phát triển, nhất là xây dựng các cầu qua đầm phá, hệ thống cầu qua sông An Cựu, 100% xã có đường ô tô đi đến trung tâm. Hiện nay, đường tránh TP Huế đang được phê duyệt vốn để nâng cấp, sửa chữa trong thời gian gần. Riêng việc mở rộng QL1A, theo Bộ Giao thông vận tải đến năm 2016 sẽ mở rộng toàn tuyến. Đối với các địa phương có tuyến QL1A chạy qua, lãnh đạo địa phương cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Việc GPMT nhanh thì công trình sẽ hoàn thành nhanh.