Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Đổi mới toàn diện Quản lý bảo trì đường bộ: Không làm không được
Ngày cập nhật 30/06/2012

“Những bước đi cụ thể mạnh mẽ, nhằm đổi mới toàn diện, tiến tới xã hội hóa, tăng hiệu quả đầu tư bảo trì đường bộ sẽ được triển khai ngay trong kế hoạch công tác của Tổng cục ĐBVN từ năm 2012. Đây là việc không làm không được, trước các đòi hỏi lớn của nền kinh tế và bản thân ngành đường bộ”. Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Ngọc Đông trao đổi với Báo GTVT về vấn đề này.

P.V: Thưa Thứ trưởng, nguyên nhân nào đã thúc đẩy Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN chọn thời điểm này để quyết liệt tiến hành cải cách công tác quản lý bảo trì đường bộ, ngoài nguyên nhân nội tại là sự trì trệ, lạc hậu đã nhiều năm nay của công tác này?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Nhu cầu phải đổi mới từ phía chủ quan của công tác QLBT đường bộ là rất bức thiết. Nhiều năm qua, nhận thức về đầu tư cho bảo trì đường sá chưa đầy đủ, khiến bảo trì không được coi trọng và đầu tư rất thấp.

Cơ chế quản lý đường sá không theo tính chất đặc thù của công tác, không khuyến khích tính chủ động của người công nhân khiến các hư hỏng của đường sá không được ngăn chặn kịp thời, khối lượng sửa chữa phát sinh lớn.

Việc xây dựng kế hoạch khá xa thực tế do thiếu hệ thống thông tin theo dõi đường sá và thiếu tiền nên làm theo kiểu hỏng chỗ nào sửa chỗ đó chứ không theo quy trình kĩ thuật. Việc kiểm tra kiểm soát khó do không có tiêu chí chất lượng, không có chế tài xử phạt. Điều này đã khiến hệ thống CSHT giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp, điều kiện làm việc và đời sống công nhân đường bộ rất khó khăn.

Từ yêu cầu khách quan, lúc này không tiến hành mạnh mẽ những thay đổi lớn về QLBT là không thể được. Cả nền kinh tế đang chuyển dịch theo quỹ đạo thị trường. Toàn bộ các doanh nghiệp QLBT đường bộ đã và đang chuyển đổi mạnh sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Một bên là tiền ngân sách nhà nước, một bên là các công ty cổ phần, Tổng cục ĐBVN nay không thể giao nhiệm vụ, giao tiền Nhà nước cho các doanh nghiệp cổ phần mà không dựa vào kết quả đấu thầu dịch vụ hoặc hợp đồng đặt hàng. Một vấn đề nữa là ngay tới đây, Quỹ bảo trì đường bộ sẽ chính thức chi trả tài chính cho công tác QLBT đường bộ, yêu cầu của công chúng về tính công khai minh bạch trong sử dụng tiền quỹ rất cao.

Các dịch vụ QLBT đường sá chắc chắn phải được thực hiện thông qua các hợp đồng, thông qua đấu thầu. Và hiệu quả của việc sử dụng tiền Quỹ chắc chắn cần phải được kiểm chứng rõ ràng, minh bạch. Qua một thời gian nhất định sử dụng tài chính Quỹ, cần phải chứng minh được cho người dân là đường sá thật sự tốt hơn, đi lại thuận tiện hơn, thì mới có thể duy trì hoạt động của Quỹ.


P.V: Yêu cầu tăng tính minh bạch như vậy sẽ là tiêu chí cơ bản cho đổi mới quản lý đầu tư bảo trì đường bộ. Từ nhận thức này, sẽ được hoạch định thành các kế hoạch chi tiết như thế nào trong hoạt động của ngành Đường bộ tới đây, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông:  Tinh thần của Bộ GTVT là triển khai ngay trong kế hoạch công tác năm 2012 và các năm tiếp theo những hoạt động cụ thể, hướng tới mục tiêu chung là tăng hiệu quả quản lý đầu tư, lấy con đường làm trung tâm phục vụ. Tách bạch quản lý nhà nước khỏi dịch vụ bảo trì, Tổng cục và các cục đường bộ khu vực sẽ chỉ tập trung làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường bộ.

Dịch vụ QLBT sẽ được xã hội hóa, do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện. Đấu thầu rộng rãi, tổ chức quản lý bảo trì đường sá theo hình thức hợp đồng PBC sẽ được áp dụng. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý CSHT làm cơ sở để lập kế hoạch cho dài hạn và lựa chọn dự án cho ngắn hạn. Kế hoạch đầu tư sẽ được công khai hóa. Khuyến khích áp dụng các tiến bộ KHKT vào công tác quản lý bảo trì đường sá.

Các công tác của Tổng cục ĐBVN sẽ vận hành theo để triển khai các các nội dung này: Xây dựng, sửa đổi hệ thống văn bản pháp quy, quy trình quy phạm, định mức quản lý chuyên ngành phù hợp; Đánh giá mô hình Ủy thác quản lý quốc lộ để có điều chỉnh khách quan; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cầu (2012), đường và mặt đường (2013), đầy đủ trước năm 2015; Xây dựng các tiêu chí đấu thầu cạnh tranh; Xây dựng các điều khoản hợp đồng PBC, bộ tiêu chí đánh giá, chế tài kiểm tra xử phạt. Ngay năm 2012 thí điểm chọn khoảng 10 tuyến đường cho áp dụng hình thức PBC, năm 2013 - 2014 khoảng 50% các tuyến đường áp dụng hợp đồng PBC, 2015 áp dụng hợp đồng PBC trên diện rộng.

P.V: Thứ trưởng có thể cho biết hiệu quả của việc đầu tư cho QLBT đường sá?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Phải có hiệu quả ngay lập tức, thì người dân mới cảm nhận được là tuyến đường không còn ổ gà lớn, các hư hỏng nhỏ nhanh chóng được sửa chữa khắc phục, nước không còn bị đọng lâu trên mặt đường, cống rãnh thường xuyên được khơi thông, biển báo ít bị cong, mờ...

Với tiến trình như vậy, đi vào ổn định sau một thời gian, khi mà tài chính được đáp ứng đầy đủ, bảo trì thường xuyên được thực hiện theo đúng yêu cầu hợp đồng, sửa chữa định kì được đầu tư đúng thời hạn, cùng với chất lượng XDCB đảm bảo, xe quá tải được kiểm soát, sẽ kéo dài được tuổi thọ con đường. Đầu tư cho QLBT đường bộ, hiệu quả để đo đếm được sẽ được thấy rõ sau một số năm.

P.V: Cảm ơn Thứ trưởng!

Phương Anh - Báo GTVT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.013.244
Truy cập hiện tại 59