|
|
|
Những điểm mới của Nghị định 34/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ Ngày cập nhật 11/05/2010 Ngày 2 tháng 4 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nghị định số 34/2010/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2010, thay thế cho Nghị định số 34/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2007. Toàn văn nghị định xem ở đây Xin giới thiệu những điểm mới của nghị định này:
I. Sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 146/2007/NĐ-CP:
1. Do cơ sở pháp lý thay đổi:
- Ngày 2/42008, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2002, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2008.
- Ngày 13/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2009, thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2001.
Nghị định số 146/2007/NĐ-CP căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002, do đó cần phải sửa đổi để phù hợp với các quy định mới.
2. Yêu cầu điều chỉnh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ phát sinh trong thực tế và những hành vi bị cấm trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa được quy định trong Nghị định số 146/2007/NĐ-CP.
3. Nâng cao tính giáo dục, răn đe nhằm mục đích phòng ngừa vi phạm (thông qua việc điều chỉnh nâng cao mức phạt tiền và cho phép áp dụng thí điểm mức phạt cao hơn ở các đô thị loại đặc biệt), góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
II. Cấu trúc của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP so với Nghị định số 146/2007/NĐ-CP:
- Nghị định số 34/2010/NĐ-CP có 4 chương, gồm 58 điều, nhiều hơn 01 điều so với Nghị định số 146/2007/NĐ-CP.
- Bỏ 3 điều, gồm: Điều 51 (Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC) và Điều 53 và 54 của Chương IV (Khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm).
- Chuyển Điều 26 (Xử phạt các hành vi về đào tạo, sát hạch lái xe) ở Mục 4 cũ thành Điều 41 ở Mục 6.
- Gộp Điều 32 cũ (Xử phạt người điều khiển xe taxi, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi) vào Điều 31 mới (Xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm về vận tải đường bộ, dịch vụ vận tải đường bộ), có bổ sung một số quy định mới.
- 02 điều được giữ nguyên: Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) và Điều 7 (Thời hiệu xử phạt VPHC…).
- 51 điều được bổ sung, sửa đổi, trong đó có nhiều điều được sửa đổi cơ bản, tăng mức phạt và bổ sung nhiều hành vi mới.
- Bổ sung 05 điều mới: Điều 42 (Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới) và 04 điều (43, 44, 45 và 46) ở Mục 7 (Áp dụng thí điểm đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt).
III. Những điểm mới của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP so với Nghị định số 146/2007/NĐ-CP:
1. Tăng mức tiền phạt hầu hết các hành vi.
2. Nâng mức tiền phạt lên từ 2 lần đến 10 lần đối với các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (Điều 14) và xâm phạm đến kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ (từ Điều 15 đến Điều 18) tương đương với mức phạt tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 về xử phạt VPHC trong hoạt động xây dựng… ví dụ:
+ Phạt tiền từ 300.000đ đến 500.000đ đối với hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ ngoài đô thị (điểm a khoản 2 Điều 14, mức phạt cũ từ 50.000đ đến 100.000đ, tăng gấp 5 lần);
+ Phạt tiền từ 30.000.000đ đến 40.000.000đ đối với hành vi xây dựng công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ (khoản 6 Điều 15, mức phạt cũ từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ, tăng gấp 8 lần).
+ Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ đối với hành vi thi công trên đường đô thị không thực hiện theo phương án thi công hoặc thời gian quy định (điểm a khoản 3 Điều 16, mức phạt cũ từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ, tăng gấp 10 lần)…
3. Bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (Điều 42).
4. Cho phép các đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) áp dụng thí điểm mức phạt tiền cao hơn quy định chung từ 40% đến 200% đối với một số hành vi (từ Điều 43 đến Điều 46).
5. Tăng thẩm quyền xử phạt của lực lượng Thanh tra đường bộ từ 159 nhóm hành vi (theo Nghị định số 146/2007/NĐ-CP) lên 203 nhóm hành vi.
6. Tăng thẩm quyền xử phạt bằng tiền đối với một số cá nhân có thẩm quyền xử phạt (theo đúng quy định của Pháp lệnh xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung năm 2008):
- Chiến sĩ công an nhân dân; tăng từ 100.000đ lên 200.000đ.
- Đội trưởng, Trạm trưởng Công an nhân dân; Thanh tra viên đường bộ: tăng từ 200.000đ lên 500.000đ.
- Chủ tịch UBND cấp xã: tăng từ 500.000đ lên 2.000.000đ.
- Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Sở GTVT, Chánh Thanh tra Tổng Cục Đường bộ: tăng từ 20.000.000đ lên 30.000.000đ.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải: tăng từ 30.000.000đ lên 40.000.000đ.
7. Bổ sung quy định về quản lý và sử dụng tiền phạt (Điều 52).
8. Giảm thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe còn tối đa là 60 ngày (quy định cũ tối đa là 90 ngày).
9. Sửa đổi quy định về tạm giữ phương tiện (Điều 54): chỉ tạm giữ phương tiện tối đa 10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (quy định cũ cho phép đình chỉ phương tiện bằng hình thức tạm giữ đến 90 ngày).
10. Bỏ quy định về khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm (Chương IV cũ) vì đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
11. Một số hành vi được hoãn thời hạn xử phạt (khoản 3, 4 Điều 57) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008:
- Đối với người có giấy phép lái xe hạng C, D, E điều khiển ô tô đầu kéo sơ mi rơ moóc (hạng FC): bị xử phạt từ ngày 1/7/2010.
- Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe theo quy định: bị xử phạt từ ngày 1/01/2011.
Theo Luật gia Huỳnh Ninh Thạch Các tin khác
|
| Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.021.192 Truy cập hiện tại 209
|
|