Tìm kiếm tin tức

 

Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày cập nhật 17/09/2021

Sáng 15/9, tại Tổng cục Đường bộ VN (TP Hà Nội) đã diễn ra lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kì 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch đầu tiên trong 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.

Xác định công tác lập Quy hoạch là nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành GTVT, Bộ GTVT đã chỉ đạo sát sao việc lập Quy hoạch với nỗ lực cao nhất để đảm bảo chất lượng, tiến độ. Bộ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi thông qua hội thảo 03 miền Bắc, Trung, Nam và lấy ý kiến 63 địa phương, 16 Bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, nhà khoa học; ý kiến hội đồng thẩm định, ý kiến thường trực Chính phủ. Một số điểm nổi bật của Quy hoạch như:

Quan điểm lập quy hoạch bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và có tính kế thừa

Quan điểm lập Quy hoạch đường bộ đã bám sát chủ trương và định hướng của văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII, XIII; tuân thủ Luật Quy hoạch; có tính kế thừa quan điểm còn giá trị của quy hoạch trước đây, đặc biệt là dự báo, phân tích kỹ vai trò lợi thế từng phương thức vận tải trên 30 hành lang vận tải chính, để tăng cường tính kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành cũng như kết nối các vùng miền; đồng bộ với các quy hoạch các ngành, địa phương có liên quan hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đồng thời, quan điểm lập Quy hoạch lần này chú trọng đến vai trò của phương thức vận tải là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác làm cơ sở để xây dựng kịch bản phát triển kết cấu hạ tầng và kịch bản dự báo.

Đảm bảo tính kết nối vùng miền và các phương thức vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải với tầm nhìn dài hạn đến 2050

Mục tiêu của Quy hoạch đã xác định phát triển mạng lưới đường bộ từng bước đồng bộ, một số công trình hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 2,76 tỷ tấn (chiếm 62,80% thị phần); hành khách đạt 9,4 tỷ lượt hành khách (chiếm 90,16% thị phần).

Hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế; từng bước nâng cấp các quốc lộ. Quy hoạch đến năm 2030 xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài 29.795 km; Đến năm 2050  hình thành 41 tuyến với 9.014km cao tốc; Quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ; Điều chỉnh điểm đầu, cuối cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; Điều chỉnh về chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tuỳ theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn.

Bản đồ Quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông 

Giải pháp thực hiện đã quan tâm đặc biệt đến tính khả thi của việc thu hút nguồn vốn, phân cấp, phân quyền

Về cơ chế, chính sách: cần tiếp tục rà soát các bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ để thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Về nguồn vốn đầu tư: huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc, theo đó các dự án chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi”. Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng đa dạng thêm nguồn lực đầu tư thay vì chỉ “trông chờ” vào ngân sách trung ương như đã triển khai trong trước đây.

Sau khi đánh giá sự thành công của các mô hình địa phương triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang… việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương cũng là đổi mới tư duy quản lý trong giai đoạn tới. Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và của các cấp, các ngành để đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch.

“Với những quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng và cầu thị trong công tác lập quy hoạch, Bộ GTVT tin tưởng Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kì 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là động lực để thúc đẩy hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đề ra” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN - Nguyễn Xuân Cường cũng đã công bố Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với các nội dung về quan điểm, mục tiêu; quy hoạch mạng lưới đường bộ (hệ thống cao tốc, hệ thống quốc lộ); định hướng đầu tư; định hướng phát triển hệ thống đường địa phương; bảo vệ môi trường và nhu cầu sử dụng đất; nhu cầu vốn đầu tư; dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.

Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN thay mặt Cơ quan lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cảm ơn Thủ tướng Chính Phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan Bộ, ban, ngành; Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quant ham mưu Bộ GTVT; Hội đồng thẩm định quy hoạch, các chuyên gia, các nhà phản biện; UBND các tỉnh, các Sở, ban ngành UBND các tỉnh địa phương, Viện Chiến lược, TEDI, trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho Tổng cục ĐBVN hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Tổng cục trưởng đề nghị các Bộ, ngành trung ương và các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp cùng Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN để quản ký, triển khai hiệu quả quy hoạch lần này.

“Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sau một thời gian lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch, được đánh giá có quy mô, phạm và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước” Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN thông tin.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, đây cũng là 1 trong 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT. Đây cũng là lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành GTVT được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức, từng hành lang vận tải chính, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành.

"Việc xây dựng và thông qua quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng thẩm định 5 quy hoạch ngành GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" - ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ.

Kết quả chủ yếu của quy hoạch mạng lưới đường bộ:

(1) Cao tốc: Đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km, bao gồm:

Trục dọc Bắc Nam (02 tuyến): Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe;  Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe.  Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.

 (2) Mạng lưới Quốc lộ: gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km (tăng 5.474 km so với năm 2021), phân chia thành quốc lộ chính yếu và thứ yếu, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp III đối với đoạn đường thông thường và cấp IV đối với đoạn khó khăn;

(3) Đường bộ ven biển: Qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034 km, quy mô 2 - 4 làn xe, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh. Bộ GTVT đầu tư đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc; các địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các đoạn còn lại trước năm 2030.

P.V

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 1.422