Tìm kiếm tin tức

 

Thông cáo báo chí về Dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 04/10/2019
Ngày 16 tháng 09 năm 2019, tại khu vực đầu tuyến Km0+100 thuộc xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
 
 

 

 

 

 

Về Dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020

đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế

Ngày 16 tháng 09 năm 2019, tại khu vực đầu tuyến Km0+100 thuộc xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.109km. Hiện đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài 601km. Trong giai đoạn 2017 – 2020. Thực hiện Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc Hội khóa XIV, dự án cao tốc Bắc - Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn với chiều dài khoảng 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, gồm các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2, (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Đoạn tuyến có chiều dài xây dựng là 98,35km, đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Điểm đầu tại Km0 (Cam Lộ), thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại  Km102+200 (La Sơn), trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Tuý Loan, thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn TPCP.

Giai đoạn đầu đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Về phần cầu: các cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT DƯL; Tải trọng thiết kế: HL93, người 0.003Mpa; Chiều rộng cầu phù hợp với chiều rộng của nền đường.

Sự cần thiết đầu tư xây dựng Dự án: việc xây dựng đường Cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn song song với QL1A hiện tại từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế) là cần thiết và cấp bách vì:

1. Phù hợp với quy hoạch

Việc xây dựng tuyến đường phù hợp với các quy hoạch về kinh tế xã hội của các địa phương trong khu vực cũng như các quy hoạch giao thông của Thủ tướng Chính phủ.

2. Phù hợp nhu cầu vận tải

- Theo kết quả phân bổ lưu lượng giao thông, lưu lượng trên đường cao tốc đoạn Cam Lộ - Bắc tránh Huế đến thời điểm 2020 là 9.040 ¸ 9.320 PCU/ngày đêm; đến năm 2030 là 16.719 ¸ 19.012 PCU/ngày đêm; đến năm 2040 là 25.297 ¸ 30.791 PCU/ngày đêm; đoạn Nam tránh Huế - La Sơn đến thời điểm 2020 là 7.906 ¸ 8.179 PCU/ngày đêm; đến năm 2030 là 14.758 ¸ 17.104 PCU/ngày đêm; đến năm 2040 là 22.660 ¸ 27.619 PCU/ngày đêm, tương ứng với lưu lượng xe tính toán cần thiết cần phải xét đến việc xây dựng đường cao tốc theo TCVN 5729: 2012.

- Theo kết quả tính toán có thể nhận thấy đường Cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn (là một phần của đường ô tô cao tốc Bắc Nam) cần được đầu tư xây dựng ngay trong giai đoạn 2015 - 2020 với quy mô yêu cầu giai đoạn I là 2 làn xe, giai đoạn 2 quy mô 4 đến 6 làn xe đến năm trong thời gian từ năm 2030 - 2040.

- Cùng với mạng đường sắt, thuỷ, bộ hiện có và đang được nâng cấp cải tạo, việc xây dựng một tuyến đường bộ có tiêu chuẩn kỹ thuật cao song song với QL1A thoả mãn nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian đi lại. Mặt khác theo quy hoạch phát triển không gian của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, một số khu cụm công nghiệp được mở rộng về phía Tây QL1A hiện tại, sự hình thành tuyến đường này sẽ gắn kết các khu cụm công nghiệp mới trong vùng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế phục vụ phát triển dân sinh.

Kể từ năm 2020, cùng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới của khu vực, mạng lưới giao thông vận tải của khu vực cũng cần được nghiên cứu mới với hệ thống hoàn chỉnh hơn, đáp ứng được nhu cầu vận tải tăng cao trong giai đoạn này.

3. Yêu cầu về tuyến vận tải đường bộ chất lượng cao.

Bên cạnh các tuyến vận tải Quốc lộ hiện hữu đang được cải tạo nâng cấp, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của nền kinh tế, cần thiết phải xây dựng song song các tuyến đường cao tốc vì:

- Quốc lộ 1A là tuyến giao thông huyết mạch theo chiều dọc phía Đông của đất nước, tuy nhiên do tính lịch sử, tuyến thường đi xuyên qua trung tâm các tỉnh lỵ với khoảng cách trung bình khoảng 100km. Việc lưu thông đường dài trên tuyến thường xuyên bị hạn chế tốc độ khi đi qua các đô thị (kể cả những đô thị đã có tuyến tránh), ảnh hưởng đáng kể đến thời gian thực hiện hành trình, và thường xuyên có nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó với chỉ một tuyến đường đảm nhận khai thác vận tải đường bộ phía Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ ách tắc khi xảy ra tai nạn, khi mưa bão lớn xảy ra ngập lụt hoặc các nguyên nhân khách quan khác.

- Hiện tại các Quốc lộ nói chung và QL1A nói riêng có rất nhiều các đường ngang đấu nối trực tiếp, các nút giao cơ bản là giao bằng, các điểm tách nhập không được kiểm soát, vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện khai thác của tuyến, làm giảm tốc độ trung bình khai thác, giảm thiểu năng lực thông hành, tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

- Với việc xây dựng đường cao tốc, giải quyết được vấn đề tốc độ xe chạy cao (đối với địa khu vực nghiên cứu tốc độ từ 80-100 km/h), năng lực thông hành lớn, an toàn xe chạy cao, chi phí vận doanh thấp, bảo đảm được giao thông thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết thay đổi, cả ngày và đêm.

4. Các lý do khác

- Tuyến đường đạt được sự phân bố hợp lý trên dải đất hẹp miền Trung, tạo điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khu vực cũng như hệ thống đường bộ Việt Nam nói chung. Tuyến đưòng là một bộ phận của Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ph hợp với quy hoạch đường ô tô cao tốc Bắc - Nam.

- Về kinh tế, tuyến đường đóng vai trò rất quan trọng trong bước đột phá, khơi dậy tiềm năng kinh tế chưa được khai thác ở vùng đất phía Tây và tạo điều kiện lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà nẵng. Đặc biệt tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng chiến khu cách mạng Hòa Mỹ, Nam Đông...nơi mà hiện nay cơ sở hạ tầng, nhất là GTVT và đời sống của đồng bào các dân tộc còn rất nhiều khó khăn.

- Hỗ trợ và phát huy hiệu quả tuyến vận tải thuộc dự án Hành lang Đông - Tây khi ách tắc giao thông do QL1A bị ngập lũ và ngoài ra nó còn hỗ trợ cho ách tắc giao thông trên đường Hồ Chí Minh ở phía Tây.

- Cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan, tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan: Tiếp cận cao nhất với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và phù hợp với quy hoạch đường cao tốc ở khu vực miền trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tuyến Quốc lộ 1A đoạn nối giữa Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng phải qua đèo Hải Vân nơi có địa hình hiểm trở nhất nước, cao độ và độ dốc dọc rất lớn , không đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông. Để khắc phục tình trạng đó, nhà nước đã đầu tư xây dựng hầm đường bộ vượt đèo Hải Vân thay thế cho đoạn đèo cheo leo hiểm trở. Đây là một trong những công trình mang tính chiến lược của ngành GTVT đang thực hiện trên địa bàn miền trung.

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021. Khi hoàn thành cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của quốc lộ 1A khi tuyến đường đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố, đồng thời góp phần tạo động lực phát triển cho các tỉnh miền Trung.

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo và yêu cầu Ban bám sát công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thi công, giải ngân cho Dự án: “Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần lưu ý đến công tác đấu thầu, phải làm chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai xét thầu phải căn cứ vào hồ sơ dự thầu của nhà thầu, đó là cơ sở pháp lý về những cam kết của nhà thầu với chủ đầu tư. Chúng ta phải rà soát kỹ lưỡng số lượng phương tiện máy móc, nhân sự… của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu để loại ngay những nhà thầu yếu, không đủ năng lực tham gia vào Dự án cao tốc Bắc - Nam”.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khi triển khai, hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng quốc gia. Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Ban cần đưa ra những giải pháp đột phá, tiếp tục rà soát lại bộ máy tổ chức để giữ vững vai trò là ngọn cờ đầu của Bộ GTVT trong công tác quản lý các dự án hạ tầng giao thông./.

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 880