|
|
| | |
Đến năm 2020, xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh qua đường sắt Ngày cập nhật 14/09/2009
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện đại hóa tuyến đường sắt góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, phát triển mạng đường sắt đối ngoại liên kết với các cảng biển và các quốc gia có cùng chung biên giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế; nhanh chóng phát triển mạng đường sắt đô thị làm nòng cốt trong vận tải công cộng tại các thành phố lớn, trước mắt ưu tiên thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hình thành mạng lưới đường sắt hoàn chỉnh liên kết các trung tâm kinh tế-xã hội, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Đẩy nhanh tiến độ đưa các tuyến đường sắt hiện tại vào cấp kỹ thuật đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống hiện có; từng bước chuyển đổi thống nhất khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm trên toàn mạng và dần chuyển đổi từ sức kéo diesel sang sức kéo điện.
Đến năm 2020, giao thông vận tải đường sắt cần chiếm tỷ trọng tối thiểu 13% về nhu cầu luân chuyển hành khách và 14% về luân chuyển hàng hóa trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành Giao thông vận tải. Giai đoạn đến năm 2030 đạt tỷ trọng 20% về nhu cầu luân chuyển hành khách, hàng hóa và 25% về nhu cầu vận chuyển hành khách tại các đô thị lớn.
Đến năm 2020, hoàn thành cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp I. Phấn đấu hoàn thành xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và Đồng Đăng-Hà Nội. Đến năm 2030, hoàn thành mạng đường sắt đô thị tại thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; cơ bản hoàn thành mạng đường sắt cao tốc Bắc -Nam; triển khai xây dựng mạng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt nối các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ và đường sắt đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Về công nghiệp đường sắt, đến năm 2020, phấn đấu tự chế tạo trong nước các phương tiện, vật tư, thiết bị, phụ tùng đường sắt đáp ứng về cơ bản nhu cầu bảo trì, cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có. Tới năm 2030, hình thành ngành công nghiệp đường sắt hiện đại.
Theo Quy hoạch, đến năm 2020, xóa bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh, xây dựng hệ thống đường ngang có phòng vệ, thiết lập hành lang chạy tàu an toàn trên toàn hệ thống với tốc độ 120km/h.
Nhu cầu vốn dành cho toàn ngành Đường sắt để thực hiện các mục tiêu trên đến năm 2020 là 1.355.101 tỷ đồng và khoảng 1.054.979 tỷ đồng vào năm 2030. Theo Webste ChinhPhu.vn Các tin khác
|
| |
|
| Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.033.052 Truy cập hiện tại 332
|
|