Năm năm qua, Giao thông vận tải trên địa bàn Thừa Thiên Huế có những bước phát triển quan trọng. Đó là việc hoàn thành và đưa vào sử dụng những công trình giao thông mang tầm vóc quốc gia, tạo thành hệ thống liên hoàn giữa các vùng, rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với các vùng đồng bằng, đô thị.
Về giao thông đối ngoại; việc hoàn thành nâng cấp sân bay Phú Bài đáp ứng việc cất, hạ cánh cho máy bay cỡ lớn, bay cả ban ngày lẫn ban đêm và trong mọi thời tiết, có khả năng đón các chuyến bay từ nước ngoài vào để tạo điều kiện cho khách du lịch nước ngoài bay trực tiếp đến Huế, thúc đấy ngành dịch vụ - du lịch thành mũi nhọn kinh tế của Tỉnh nhà; Hoàn thành bến số 1 cảng nước sâu Chân Mây với khả năng đón tàu 30 ngàn tấn mở ra một hướng phát triển mới cho các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Rồi việc thông xe hầm đường bộ Hải Vân, đường Hồ Chí Minh phía tây đã tháo gở những ách tắc trầm trọng cho việc lưu thông hàng hóa, hành khách theo hướng tuyến Bắc - Nam nhất là trong mùa bảo lụt. Việc hoàn thành mở hai của khẩu Hồng Vân, Cu tai (nối với tỉnh Sa-ra-van) và A Đớt - Tà vàng (nối với tỉnh Sê-kông) tạo thêm năng lực mới cho việc thông thương hàng hóa và phát triển hợp tác kinh tế của Thừa Thiên Huế với các tỉnh Nam Lào và Thái Lan...
Về giao thông đối nội; Thành tựu nỗi bật nhất là phá thế chia cắt giữa các vùng, miền đặc biệt là dải đất ven biển với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bằng các công trình cầu Hòa Xuân, cầu Trường Hà, cầu Thuận An mới (đang thi công), cầu Tư Hiền (sắp hoàn thành). Nếu như cách đây 5 - 10 năm, việc đi từ thành phố Huế lên các huyện miền núi như Nam Đông, A Lưới mất nửa ngày đường thì hiện nay việc đi lại giữa thành phố Huế với Nam Đông và A Lưới rất thuận lợi chỉ khoảng 1,5 đến 2 giờ. Chương trình nhựa hóa Đường tỉnh, bê tông hóa đường giao thông nông thôn được triển khai thuận lợi và đạt được nhiều kết quả khả quan, động viên được nhiều nguồn lực và được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp nhiều công sức tiền của cho công trình. Các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2001 - 2005) đề ra đều đạt và vượt mức. Đến nay toàn tỉnh đã nhựa hóa được 80% đường tỉnh, bê tông hóa 70% đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã), 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Chương trình phát triển đô thị (trong đó có phát triển giao thông vận tải) cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, nhiều công trình giao thông quan trọng được xây dựng và hoàn thành đã góp phần cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp như cầu Chợ Dinh, cầu Gia Hội, cửa ngõ Bắc - Nam thành phố Huế, đường Tự Đức - Thủy Dương, đường lên lăng Tự Đức v.v...
Về vận tải, công nghiệp cơ khí, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, mà thành quả quan trọng nhất là người dân ngày càng đầu tư nhiều phương tiện mới tham gia thị trường vận tải nội tỉnh và ngoại tỉnh, tăng thêm năng lực vận tải cho tỉnh nhà, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng tiến bộ, tai nạn giao thông năm sau đã giảm hơn năm trước (mặc dầu phương tiện giao thông tăng rất lớn), Thừa Thiên Huế là một trong một số ít tỉnh, đã tổ chức được xe buýt công cộng với các tuyến trong nội thị thành phố Huế và vươn ra các đô thị lân cận như Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An...
Tóm lại giao thông vận tải trong 5 năm qua (2001 - 2005) đã có tiến bộ đáng kể, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhà, phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Thừa Thiên Huế, thúc đấy các ngành kinh tế khác cùng nhau phát triển.
Một số quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đậi hội Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên Huế.
Những thành tựu của 5 năm qua (2001 - 2005) và 20 năm đổi mới (1986 - 2005) làm cho thế và lực của cả nước và Thừa Thiên Huế lớn mạnh lên nhiều. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Thừa Thiên Huế vẫn còn trong tình trạng kém phát triển. Khoảng cách về phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người so với khu vực và cả nước còn lớn.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005 - 2010), trên cơ sở Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 thì phát triển giao thông vận tải ở địa bàn Thừa Thiên Huế phải được đặt vào vị trí ưu tiên số 1 và phải đi trước một bước. Trên cơ sở đó, phải xúc tiến chuẩn bị đầu tư và tìm nguồn vốn để thực hiện những dự án quan trọng có tính chất như là cú hích tạo đà sau đây:
- Nhanh chóng triển khai tuyến cao tốc nối Huế với Đà Nẵng cũng như nối với Đông Hà, Quảng Trị để kết nối với tuyến hành lang Đông Tây qua của khẩu Lao Bảo - Nối Sa-va-na-khệt - Cầu Mục-đa-hán - Các tỉnh đông bắc Thái Lan.
- Triển khai cầu cảng số 2, số 3 của cảng nước sâu Chân Mây theo quy hoạch đã được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đến năm 2010.
- Triển khai các tuyến đường ngang 71 (Huyện Phong Điền), 74 (Huyện Nam Đông) để kết nối Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh ở phía tây, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn nối miền núi với miền đồng bằng và ven biển.
- Tiếp tục tìm nguồn vốn để xây dựng cầu Ca Cút vượt phá Tam Giang (đã có dự án), chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án cầu Vĩnh Tu (cũng vượt phá Tam Giang).
- Tạo điều kiện cần thiết để hình thành tuyến quốc lộ ven biển từ Mỹ Chánh - Thuận An - Tư Hiền - Chân Mây - Lăng Cô, nhằm kết nối và hình thành một trục quốc lộ dọc ven biển của các tỉnh trọng điểm kinh tế miền trung từ Quảng Trị đến Bình Định.
Ngoài ra, đối với Thừa Thiên Huế, việc nâng cấp sân bay Phú Bài thành sân bay Quốc tế để kết nối các đường bay trực tiếp với các nước trên thế giới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch - một ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế.
Đối với các tuyến giao thông nội tỉnh, trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 phấn đấu nhựa hóa 100% các đường tỉnh, bê tông hóa 90% đường giao thông nông thôn, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện có vào các khu công nghiệp, khu du lịch, các điểm tham quan, các thắng cảnh. Tu bổ và tôn tạo các tuyến đường trong thành phố Huế trở thành những tuyến đường xanh, sạch, đẹp góp phần làm văn minh đô thị và phục vụ du khách bốn phương về thăm cố đô Huế.
Trong lĩnh vực vận tải, công nghiệp, cơ khí ... ngoài việc tạo ra những cơ chế thông thoáng để mọi thành phần kinh tế yên tâm bỏ vốn làm ăn, cần phải xúc tiến thành lập tập đoàn liên doanh vận tải mạnh để đón bắt thời cơ khi tuyến hành lang Đông-Tây qua Mục-đa-hán được khai thông, nhằm khai thác lượng hàng hóa đi qua tuyến này về cảng Chân Mây, phục vụ cho xuất nhập khẩu qua cảng nước sâu Chân Mây.
Trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm làm giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường năng lực giao thông đô thị Huế và vùng lân cận, tiếp tục mở rộng các tuyến xe buýt công cộng đi trong nội thị và về các trung tâm huyện lỵ...
Các giải pháp thực hiện và những khó khăn:
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế rất mong sự quan tâm hơn nữa từ các Bộ, Ngành trung ương, xúc tiến sớm các dự án ưu tiên đầu tư trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ.
Khó khăn lớn nhất để thực hiện các dự án quan trọng nêu trên là nguồn vốn đầu tư. Chính vì thế Tỉnh sẽ quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất, ưu đãi nhất cho các nhà đầu tư đến với Huế. Ngoài ra Tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực từ sự giúp đở của Trung ương thông qua các dự án ODA, sự viện trợ của các tổ chức quốc tế, khai thác triệt để các nguồn lực từ địa phương như quỹ đất, thực hiện các dự án bằng nhiều hình thức khác nhau như đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, BOT, BT, cho thuê hạ tầng, thu phí... Đầu tư có trọng điểm, chống đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư.