Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Công trình từ 9 tầng trở lên phải sử dụng 30% vật liệu không nung
Ngày cập nhật 21/05/2010

    Thủ tướng Chính Phủ vừa ký quyết định số 567 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 với mục tiêu cụ thể đến năm 2015 phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu này thay thế gạch đất sét nung với tỷ lệ 20-25% và nâng lên 30-40% vào năm 2020, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Năm 2020 nhu cầu vật liệu xây khoảng 42 tỷ viên quy tiêu chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 60 - 64 triệu m3 đất sét, tương đương 3.000 -  3.200 ha đất nông nghiệp, đồng thời tiêu tốn 6 - 6,4 triệu tấn than, thải ra khoảng 23 - 24 triệu tấn khí CO2.

 Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung không chỉ tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

 Theo Chương trình, bằng công nghệ tiên tiến với quy mô, công suất phù hợp, sẽ có 3 chủng loại vật liệu xây dựng không nung được phát triển sản xuất và sử dụng. Đó là gạch xi măng-cốt liệu, gạch nhẹ và các loại gạch khác.

 Trong đó, gạch xi măng – cốt liệu được ưu tiên phát triển và sử dụng, cụ thể tỷ lệ gạch xi măng-cốt liệu trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Gạch nhẹ (gồm 2 loại gạch từ bê tông khí chưng áp và gạch từ bê tông bọt) chiếm tỷ lệ vào khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020 trên tổng số vật liệu xây không nung. Còn các loại gạch khác, bao gồm gạch đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, gạch silicát... đạt tỷ lệ khoảng 5% từ trên tổng số vật liệu xây không nung vào năm 2015.

 Để triển khai Chương trình, Chính phủ đồng ý 3 nhóm giải pháp, gồm; giải pháp về cơ chế chính sách, về khoa học công nghệ và giải pháp về thông tin, tuyên truyền.

 Trong đó, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên ngoài các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo quy định hiện hành còn được được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm.

 Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây.

 

Tại Hội thảo quốc tế về giải pháp đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu không nung, nhằm phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường tổ chức hôm qua tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng dự báo, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 42 tỷ viên gạch để đáp ứng nhu cầu xây dựng.

 

Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu sử dụng gạch nung như hiện nay thì diện tích đất phải sử dụng để làm nguyên liệu sẽ lên đến hơn 3.000 ha (bình quân 300ha/năm). Ngoài ra, sản xuất gạch nung còn ảnh hưởng đến môi trường.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia xây dựng và môi trường đã bàn đến việc sử dụng gạch không nung, đảm bảo chất lượng và làm sạch môi trường.

Theo XDOnline và TPOnline
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.015.864
Truy cập hiện tại 1.598