Tìm kiếm tin tức

 

Thực hiện các Nghị định 43, 44, 45 và 46/NĐ-CP của Chính phủ
Ngày cập nhật 23/04/2018

     Thực hiện nội dung văn bản số 2235/UBND-GT ngày 04/4/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, về việc triển khai các Nghị định 43, 44, 45 và 46/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng Hành hải, Hàng không, Đường thủy nội địa và Đường sắt Quốc gia, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung của các Nghị định này như sau:

 

1. Nghị định số 43/2018/NĐ-CP: Quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, ban hành, Chính phủ ban hành ngày 12/3/2018

Theo đó, tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải (bao gồm vùng đất, vùng nước gắn với tài sản) gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển; tài sản bảo đảm an toàn hàng hải: đèn biển và nhà trạm gắn với đèn biển; phao, tiêu và nhà trạm quản lý vận hành phao tiêu; hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ; luồng hàng hải; tài sản kết cấu hạ tầng mạng viễn thông hàng hải là tài sản, vật kiến trúc, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho hoạt động của hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam.
Những tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải quy định nêu trên liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia được xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải phải bảo đảm công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được giao cho cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải...

Đối với các tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải phục vụ mục đích công cộng, không áp dụng các phương thức khai thác tài sản nêu trên thì cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải thuộc phạm vi quản lý phục vụ mục đích công cộng, không áp dụng các phương thức khai thác tài sản quy định nêu trên trên cơ sở đề nghị của cơ quan được giao quản lý tài sản. 

Nghị định có hiệu kể từ ngày 12/03/2018.

2. Nghị định số 44/2018/NĐ-CP: Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo cơ chế thị trường, Chính phủ ban hành ngày 13/3/2018

Việc quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không phải đảm bảo 6 nguyên tắc: Mọi tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật; Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không thực hiện theo cơ chế thị trường; Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua công cụ bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật; Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không phải bảo đảm công khai, minh bạch; Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia quy định tại Nghị định này được xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không quy định tại Nghị định này được giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không thuộc Bộ Giao thông vận tải. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành hàng không và pháp luật có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hình thành từ dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư theo quy định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các cơ quan có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không không thuộc phạm vi quy định. Theo quy định, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Nghị định có hiệu kể từ ngày 13/3/2018.

 

3. Nghị định số 45/2018/NĐ-CP: Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, Chính phủ ban hành ngày 13/3/2018

 

Theo Nghị định, cơ quan được giao quản lý tài sản ở trung ương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa; cơ quan được giao quản lý tài sản ở địa phương là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa.

Nghị định nêu rõ, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
Đối với các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ mục đích công cộng, không áp dụng các phương thức khai thác tài sản quy định thì cơ quan được giao quản lý tài sản; không phải lập Đề án khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý phục vụ mục đích công cộng không áp dụng các phương thức khai thác tài sản quy định trên cơ sở đề nghị của cơ quan được giao quản lý tài sản...

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa từ cơ quan được giao quản lý tài sản (ở trung ương và địa phương) sang doanh nghiệp quản lý theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tài sản có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa không thuộc phạm vi quy định giữa Bộ Giao thông vận tải với bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa không thuộc phạm vi quy định giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa không thuộc phạm vi quy định giữa các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý.

Nghị định có hiệu kể từ ngày 13/3/2018.

 

4. Nghị định 46/2018/NĐ-CP quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Chính phủ ban hành ngày 14/03/2018

 

Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

Theo Nghị định, nguyên tắc trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bao gồ m: Mọi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của xã hội để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hỏa hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật; Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phải công khai, minh bạch; bảo đảm điều hành giao thông vận tải đường sắt thống nhất, tập trung; bảo đảm hoạt động vận tải đường sắt quốc gia thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

Theo Nghị định, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bao gồm cả đất gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt, được chia làm 02 loại: Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu và không trực tiếp liên quan đến chạy tàu.

Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện theo các phương thức: Cơ quan được giao quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác; Cho thuê quyền khai thác tài sản; Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

Nghị định quy định thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được xác định cụ thể cho từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng không quá 50 năm.

Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có quyền được sử dụng, kinh doanh tài sản, được hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư…

Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.

Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được xử lý theo các hình thức: Thu hồi tài sản; Điều chuyển tài sản; Bán tài sản; Thanh lý tài sản

Quy định giao tài sản

Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các cơ quan có liên quan.

Giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho cơ quan được giao quản lý tài sản; doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định (là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về đường sắt) quản lý trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các cơ quan có liên quan đối với tài sản có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia và tài sản hình thành từ dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không thuộc phạm vi quy định trên cho cơ quan được giao quản lý tài sản, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định.

Phương thức khai thác

Nghị định quy định, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Việc cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phải bảo đảm tính đồng bộ trong vận hành, khai thác tài sản, bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng liên quan tới hoạt động đường sắt quốc gia.

Nghị định có hiệu kể từ ngày 14/3/2018.

Nội dung của các Nghị định nêu trên được đăng tải trên trang Công báo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ: http://congbao.thuathienhue.gov.vn, hoặc tại Website của Bộ Giao thông vận tải, địa chỉ:  http://www.mt.gov.vn/vn, hoặc của Sở GTVT Thừa Thiên Huế: https://sgtvt.thuathienhue.gov.vn/.

Sở Giao thông vận tải xin thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết triển khai thực hiện.

 

Tin: Phòng AT&QLGT (Minh Quốc)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.896.385
Truy cập hiện tại 105