Tìm kiếm tin tức

 

V/v triển khai Chỉ thị về một số biện pháp cấp bách để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2020-2025 của Bộ GTVT
Ngày cập nhật 16/09/2020

Kính gửi:

- Các Cục Quản lý đường bộ I, II, III và IV;

- Các Sở Giao thông vận tải;

- Cục Quản lý xây dựng đường bộ;

- Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý

   khai thác công trình đường bộ;

- Các Ban Quản lý dự án 3, 4, 5, 8.

 

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BGTVT ngày 09/9/2020 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về “Triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2020-2025”. Để chủ động phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cho lĩnh vực đường bộ và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm giao thông luôn thông suốt an toàn trong mọi tình huống thiên tai xảy ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đề nghị các đơn vị nêu trên triển khai ngay một số công việc cụ thể sau:

I. Một số nhiệm vụ chung về công tác PCTT&TKCN

1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42 - CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020” và Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai”; Kế hoạch số 227-KH/BCSĐ ngày 05/8/2020 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT; Luật Phòng chống thiên tai (PCTT) và các văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện Luật PCTT, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác PCTT, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.

2. Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, chủ động lồng ghép các nhiệm vụ phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình phát triển hạ tầng ngành GTVT kể từ khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án cho tới khi tổ chức triển khai xây dựng công trình. Đặc biệt, đối với các đơn vị có chức năng thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự án phải hết sức chú ý đến sự tác động của thiên tai, sự bền vững của công trình ngay từ khi khảo sát và thiết kế.

3. Kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của đơn vị theo quy định của Chính phủ để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi đơn vị; tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập ứng cứu tai nạn, sự cố cầu, đường, phà và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn trọng điểm để nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách. Tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị trực thuộc.

4. Hoàn thiện các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và ứng phó tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng; rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các vùng có nguy cơ thường xảy ra các tình huống thiên tai như: Bão, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

5. Thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên trước, trong và sau mùa lụt bão, nhất là giữ mặt đường êm thuận, khô ráo, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng, sửa chữa, gia cường kho tàng, cơ sở vật chất hiện có của đơn vị, đảm bảo an toàn khi có lụt bão, thiên tai xảy ra.

6. Chuẩn bị vật tư dự phòng phục vụ công tác ứng cứu khi có sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra. Thường xuyên kiểm tra các bến phà, cầu phao…, các khu vực đường xung yếu hay bị ngập nước, sạt lở đất, các cầu yếu để bảo đảm giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất khi có sự cố thiên tai, thảm họa gây ra.

7. Các đoạn đường bị ngập phải có cọc tiêu, cột thủy chí, biển cảnh báo, cử người trực gác và phối hợp với lược lượng Thanh tra giao thông, Công an hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ nước ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao; khi cần thiết, phải rào chắn, cấm đường không cho người và phương tiện qua lại, kết hợp với phân luồng từ xa. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chủ động trong hành trình; ngoài ra phối hợp với Chính quyền địa phương các cơ quan có liên quan tổ chức dừng xe tại các vị trí thích hợp để bảo đảm an ninh trật tự các khu vực tắc xe và điều kiện sinh hoạt cho lái xe và hành khách.

8. Thường xuyên kiểm tra các khu vực xung yếu, các cầu yếu trên các quốc lộ ở khu vực miền núi. Hàng năm phải tổ chức kiểm tra, rà soát và có các giải pháp khắc phục các vị trí gây cản trở đến việc thoát lũ, xả lũ của các đập thủy điện, các công trình thủy lợi gây ngập úng cho các khu dân cư ở hai bên đường quốc lộ (đặc biệt Quốc lộ 1 ở khu vực Nam Trung bộ) và các khu vực dân cư ở hạ lưu của các đập thủy điện.

    8. Đối với các công trình đang thi công:

- Bố trí nhân lực, vật tư, thiết bị, tập trung thi công đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, cố gắng hoàn thành các hạng mục dở dang trước mùa mưa, bão.

- Chú ý điểm dừng kỹ thuật thi công khi có dự báo bão, lũ để đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị, không để máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải ở những vị trí dễ bị sụt trượt, lở đất và ngập nước.

- Các công trình cầu cống đang thi công hoặc nâng cấp, cải tạo có thời gian thi công dài phải tập trung giải quyết phần công trình dưới nước, kết hợp với biện pháp chống va trôi, neo giữ bảo vệ công trình, vật tư, thiết bị khi có lũ lụt.

9. Tổ chức trực ban PCTT&TKCN 24h/24h khi có thông tin về bão lũ, trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời nắm bắt thông tin, theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về diễn biến, thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra theo quy định hiện hành.

II. Một số nhiệm vụ cụ thể tổ chức thực hiện công tác PCTT&TKCN

Tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 của Tổng cục ĐBVN tại Công văn số 2666/TCĐBVN-ATGT ngày 29/4/2020; ngoài ra thực hiện các nội dung như sau:

1. Các Cục Quản lý đường bộ:

1.1. Xây dựng các phương án bảo đảm giao thông, phân luồng giao thông khi có sự cố gây tắc đường trên các quốc lộ huyết mạch Bắc - Nam như: QL.1, đường HCM và các tuyến trọng yếu trong khu vực và các tuyến đường nối với đầu mối vận tải như cảng biển, khu công nghiệp lớn, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, các cửa khẩu Quốc tế như:

- Khu vực Phía Bắc: QL.2, QL.3, QL.4A, QL.4D, QL.5, QL.6, QL.18, QL.37, QL.70, QL.279;

- Khu vực Bắc Miền Trung: QL.7, QL.8, QL.9, QL.49, đường Hồ Chí Minh;

- Khu vực Nam Trung bộ: QL.14, QL.19, QL.25, QL.26, QL.27C, QL.40B, Trường Sơn Đông;

- Khu vực Nam bộ: QL.53, QL.54, QL.61, QL.63, QL.80, QL.91.

1.2. Rà soát các phương tiện, vật tư hiện có, bổ sung để bảo đảm tốt cho công tác ứng cứu; chuẩn bị và bố trí các loại vật tư, phương tiện dự phòng như phà, phao, dầm Bailley, rọ thép ... cho từng khu vực một cách hợp lý, sẵn sàng thực hiện khi có lệnh điều động của Bộ GTVT hoặc của Tổng cục ĐBVN để bảo đảm giao thông cho các tuyến đường bộ trong khu vực.

1.3. Khẩn trương và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa đường bộ của năm 2020, đặc biệt ưu tiên đối với các công trình thoát nước, các đoạn đường đèo dốc trên các tuyến đường độc đạo, cầu yếu trên các quốc lộ được giao quản lý; đối với các công trình, các gói thầu chưa bàn giao mặt bằng thi công, yêu cầu phải thực hiện gia cố các vị trí xung yếu.

1.4. Phối hợp với Ban Quản lý dự án kiểm tra công tác bảo đảm giao thông trên các tuyến đường đang triển khai dự án; đối với dự án đình hoãn, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có phương án bảo đảm giao thông cụ thể, chi tiết cho từng gói thầu.

1.5. Thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn các bến phà, cầu phao, các âu dấu phà, các hệ thống chống va trôi, các cầu yếu và có biện pháp cũng như phương án bảo đảm giao thông khi sự cố xảy ra.

1.6. Xây dựng kế hoạch phối hợp các Nhà đầu tư BOT trong công tác kiểm tra các tuyến đường trước mùa mưa bão. Kịp thời phát hiện hư hỏng cầu, đường, hệ thống an toàn giao thông, để có biện pháp xử lý, thay thế kịp thời. 

1.7. Chỉ đạo các Nhà đầu tư BOT phối hợp với các Sở GTVT lập phương án phân luồng từ xa khi xảy ra ách tắc giao thông và hướng dẫn người, phương tiện tham gia giao thông.

 1.8. Chỉ đạo các nhà đầu tư BOT xây dựng phương án bảo đảm giao thông khi xảy ra sụt lở, ách tắc giao thông trên tuyến đường cao tốc; phương án cảnh báo an toàn khi xảy ra ngập úng; phương án ứng phó tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ cao tốc.

2. Các Sở Giao thông vận tải.

2.1. Thực hiện tốt công các bảo trì các quốc lộ được ủy quyền quản lý và các tuyến đường địa phương; xây dựng phương án phân luồng bảo đảm giao thông cho quốc lộ được giao quản lý, các tuyến đường địa phương; phối hợp chặt chẽ với các Cục QLĐB, Nhà đầu tư BOT trong công tổ chức phân luồng giao thông và xử lý khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đối với các địa phương có đường sắt đi qua Sở GTVT lập phương án trung chuyển hành khách trong trường hợp đường sắt bị ách tắc cục bộ, dài ngày do thiên tai gây ra.

2.2. Kịp thời phối hợp, ứng cứu các đơn vị thi công trên địa bàn trong công tác khắc phục công trình, cầu, đường, bến phà khi bị sự cố do thiên tai gây ra; đồng thời tham gia lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

2.3. Phối hợp với địa phương, tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các bến đò ngang, đò dọc và các phương tiện vận tải hành khách lưu thông trên sông, kênh, rạch; bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, không chở quá tải (phương tiện phải được đăng kiểm, có hệ thống thông tin liên lạc, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh). Không tổ chức vận chuyển hành khách sang sông trong điều kiện thời tiết xấu như: giông, bão, lũ lớn.

2.4. Có kế hoạch dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy phù hợp với địa hình khu vực khi xảy ra thiên tai để kịp thời đáp ứng yêu cầu di chuyển dân cư, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ.

3. Các Ban quản lý dự án.

3.1. Yêu cầu nhà thầu thi công bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công; khi có lụt, bão phải tổ chức ứng cứu bảo đảm giao thông.

3.2. Lập phương án bảo đảm giao thông cụ thể, chi tiết cho các dự án đình hoãn, giãn tiến độ; đặc biệt quan tâm đến các tuyến đường trọng yếu có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao.

3.3. Phối hợp cùng các đơn vị trong và ngoài ngành ứng cứu bảo đảm giao thông trên các tuyến đường trong khu vực đang triển khai dự án.

4. Cục Quản lý xây dựng đường bộ.

4.1. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai của các Nhà thầu thi công các công trình giao thông đường bộ do Cục đang quản lý.

4.2. Phối hợp với các Cục QLĐB, Sở GTVT và các Ban QLDA thuộc Tổng cục tăng cường công tác kiểm tra các nhà thầu thi công; đặc biệt trong mùa mưa bão, kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra.

4.3. Chỉ đạo các Nhà thầu thi công, xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai và bảo đảm an toàn giao thông trong suốt thời gian mưa, bão tại khu vực thi công của các Nhà thầu. Ngoài ra có phương án bảo vệ chằng chống nhà cửa kho tàng, bảo vệ phương tiện thiết bị, máy móc thi công, vật tư của đơn vị được an toàn khi có thiên tai xảy ra.

4.4. Khi có tình huống thiên tai xảy ra trên đoạn tuyến đang thi công, chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư vật liệu tổ chức khắc phục ngay bảo đảm thông xe nhanh nhất và tìm kiếm cứu nạn kịp thời. Kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả khi xảy ra thiên tai.

5. Các Nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư các tuyến đường, công trình giao thông đường bộ:

5.1. Chỉ đạo các đơn vị khai thác tuyến đường, công trình thực hiện tốt các quy định hiện hành liên quan đến công tác khắc phục bảo đảm giao thông trên tuyến đường quản lý.

5.2. Chỉ đạo đơn vị bảo trì đường bộ thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên trước, trong và sau mùa lụt bão, nhất là giữ mặt đường êm thuận, khô ráo, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm an toàn khi có lụt bão, thiên tai xảy ra.

5.3. Khi có sự cố do thiên tai xảy ra Nhà đầu tư phối hợp với Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải và các lực lượng của địa phương như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, lực lượng dân phòng và Thanh tra giao thông trong việc phân luồng đảm bảo giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí ngập nước, sạt lở đất gây ách tắc giao thông.

5.4. Xây dựng các phương án bảo đảm giao thông, phân luồng giao thông khi có sự cố tắc đường trên các tuyến đường quản lý; phối hợp chặt chẽ với các Cục QLĐB, Sở GTVT và chính quyền địa phương trong công tác tổ chức phân luồng giao thông.

 

Căn cứ ý kiến trên các đơn vị triển khai thực hiện./.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.896.385
Truy cập hiện tại 264