Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Bước đầu hình thành văn hóa giao thông
Ngày cập nhật 12/12/2008

Bài viết của ông Hồ Nghĩa Dũng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG trên báo GTVT.

    Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, ngày 22 tháng 7 năm 2007, tại hội nghị an toàn giao thông toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động toàn dân thực hiện chủ trương đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy, giao nhiệm vụ cho ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng kế hoạch chi tiết tuyên truyền về những nội dung cơ bản và lộ trình thực hiện.

    Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra 3 Công điện để chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm. ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện Nghị quyết quan trọng này, chú trọng nhất là tuyên truyền quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy.

    Chiến dịch tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy được thực hiện sâu rộng và bằng nhiều hình thức được tiến hành đồng loạt và liên tục với nội dung: đội mũ bảo hiểm là hạn chế hậu quả do tai nạn giao thông gây ra và là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ chính mình. Các thông điệp về đội mũ bảo hiểm được phát liên tục trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng khác ở Trung ương và các địa phương. Các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể tích cực tổ chức phát tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm. ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng với Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức trao tặng hơn 50.000 mũ bảo hiểm cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mưu sinh hàng ngày bằng môtô hoặc xe gắn máy, trao tặng mũ bảo hiểm cho một số trường mẫu giáo ở 15 địa phương để tuyên truyền, vận động mọi lứa tuổi đều đội mũ bảo hiểm. Nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã tích cực tham gia tuyên truyền đội mũ bảo hiểm như: Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Quỹ Phòng chống thương vong châu á, Công ty Honda Việt Nam…

    Để tạo “điểm nhấn” cho việc thực hiện quy định này của Chính phủ, nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương đã tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô hoặc xe gắn máy trước thời hạn quy định của Chính phủ như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An…; Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Tổng liên đoàn lao động VN, Cơ quan Trung ương Đoàn TNCS HCM, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam… Việc tuyên truyền, phổ biến kiên trì, liên tục và rộng khắp bằng nhiều hình thức đã tác động tích cực tới nhận thức của người tham gia giao thông về đội mũ bảo hiểm là bảo vệ chính mình. Đây là nhân tố tạo ra thành công bước đầu trong việc thực hiện một giải pháp quan trọng mà trước đó đã tiến hành chưa thành công. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và các địa phương đã góp phần đáng kể vào sự chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông.

    Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành quy chuẩn mũ bảo hiểm QCVN 2: 2008/BKHCN nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và công bố nhiều loại mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn quy định để người sử dụng biết và lựa chọn. Cùng với Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, Nghị định 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định nghiêm khắc mức xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cao nhiều lần so với quy định của Nghị định 152/2005/NĐ-CP. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung và hành vi không đội mũ bảo hiểm nói riêng, 9 tháng đầu năm 2008 các lực lượng đã xử lý 491.048 trường hợp đi môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.

    Từ ngày 15 tháng 12 năm 2007, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô hoặc xe gắn máy trên các tuyến đường được mọi người đồng tình ủng hộ, tự giác thực hiện nghiêm túc: tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm đạt tới 95- 98%, nổi bật nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhiều tuyến đường đạt xấp xỉ 100%. Nhiều cơ quan báo chí đã bình chọn việc thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm là 1 trong 10 sự kiện của năm 2007. Điều đáng mừng là kết quả đó vẫn được duy trì tương đối tốt đến thời điểm hiện nay. Có thể khẳng định quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô hoặc xe gắn máy theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ đã thực hiện thành công bước đầu trên phạm vi toàn quốc.

    Đội mũ bảo hiểm là sự nhắc nhở người tham gia giao thông tôn trọng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần hình thành “văn hóa giao thông” mới. Thực hiện tốt quy định đội mũ bảo hiểm không chỉ thể hiện tính kỷ cương, văn minh, hội nhập trong giao thông mà còn đóng góp vào kết quả rõ rệt trong việc giảm số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ: lần đầu tiên trong cả 11 tháng tai nạn giao thông đường bộ liên tục giảm cả ba tiêu chí so với các tháng tương ứng trong năm 2007; trong 11 tháng năm 2008 tai nạn giao thông đường bộ giảm 1.486 người chết (giảm 12,86%), giảm 2.435 người bị thương (giảm 25,45%) vì tai nạn giao thông đường bộ so với 11 tháng năm 2007.

    Bộ Y tế cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, số bệnh nhân do tai nạn giao thông giảm 17,2%, số người bị chấn thương sọ não giảm 24,8%, số bệnh nhân tử vong tại bệnh viện vì tai nạn giao thông giảm 5,9%.

    Ông TS.Shigeru Omi - Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã phát biểu ngày 4 tháng 11 năm 2008 về kết quả thực hiện việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm tại Hội nghị Châu á - Thái Bình Dương về phòng chống tai nạn thương tích như sau: “Bây giờ tôi thấy hầu hết những người đi môtô, xe gắn máy đều đội mũ bảo hiểm. Tôi xin chúc mừng Việt Nam thực hiện thành công quy định về đội mũ bảo hiểm. Tôi thấy rằng số liệu ban đầu các bệnh viện đưa ra cho thấy mức giảm 16% đối với chấn thương sọ não được coi là một kết quả của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Tử vong do tai nạn giao thông giảm 14%” (số liệu này do WHO thu thập).

    Ông Kobayasi Kenichi, đại diện JICA cũng nhận xét: “Tôi rất ấn tượng với chiến dịch cưỡng chế đội mũ bảo hiểm mà các bạn đã và đang thực hiện. Tôi cho rằng không chỉ riêng chúng tôi mà hầu hết những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam đều phải thán phục vì chỉ qua 1 đêm thôi, gần như 100% người đi môtô, xe gắn máy đã đội mũ bảo hiểm…”.

    Ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu á nói: “Sự ra đời của Nghị quyết 32 với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên được. Trong khi tại Mỹ, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm chỉ khoảng 70%, tại Thái Lan là 60%… thì tỷ lệ 95% người tham gia giao thông Việt Nam đội mũ bảo hiểm đã được quốc tế đánh giá cao. Có thể thấy đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen và là một điểm mới trong “văn hoá giao thông” tại Việt Nam.

    Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô hoặc xe gắn máy thực hiện chưa tốt ở khu vực đường giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vào buổi tối ở đô thị; một số nơi việc xử phạt chưa nghiêm; tình trạng trẻ em ngồi trên môtô hoặc xe gắn máy không được người lớn đội mũ bảo hiểm còn phổ biến; đã xuất hiện nhiều kiểu mũ bảo hiểm thời trang hoặc không có nguồn gốc xuất xứ và không đáp ứng tiêu chuẩn quy định, mà chưa có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để.

    Năm 2009, lĩnh vực trật tự an toàn giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; vi phạm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa có chiều hướng giảm. Vì vậy, đòi hỏi công tác chỉ đạo phải quyết liệt hơn, các Bộ, ngành và các địa phương phải thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn các giải pháp cấp bách nêu tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, trong đó phải duy trì bằng được kết quả đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh việc khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế, cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động và kết hợp với xử lý nghiêm khắc hành vi không đội mũ bảo hiểm. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông luôn gắn với sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, sự hoạt động tích cực của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các tổ chức, các đoàn thể và tiếng nói của các cơ quan thông tin đại chúng./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.896.385
Truy cập hiện tại 503