Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Công văn số 1400/STP-QLXLVPHC ngày 04/9/2019 của Sở Tư pháp về việc báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019.
Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế báo cáo tình hình thi hành pháp luật năm 2018 (từ ngày 01/10/2018 đến ngày 15/9/2019) như sau:
I. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật:
Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các hoạt động liên quan đến việc thi hành pháp luật gồm: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về giao thông vận tải; Giải quyết các thủ tục hành chính; Đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe; Kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ; Giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo…
Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật luôn được Đảng uỷ, Lãnh đạo sở thường xuyên quan tâm, quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
II. Tình hình thi hành pháp luật
1. Tình hình tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật:
Qua một năm theo dõi tình hình thi hành pháp luật đơn vị đã tập trung rà soát, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật, kịp thời, đầy đủ; phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương; có tính thống nhất, đồng bộ và khả thi cao.
Theo đó, Sở đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-SGTVT ngày 16/01/2019 về theo dõi thi hành pháp luật năm 2019, Kế hoạch 86/KH-SGTVT ngày 16/01/2019 về thực hiện công tác quản lý về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2019 đồng thời đốc thúc các phòng, ban và đơn vị trực thuộc triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì thường xuyên liên tục.
Thực hiện Quyết định 279/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh công bố kết quả rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ 2014-2018. Theo đó, Sở GTVT có 08 văn bản quy phạm pháp luật đang thực hiện kết quả rà gồm:
- Nghị quyết 09/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 về việc quy định mức chi, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Quyết định 422/2005/QĐ-UBND ngày 24/01/2005 về việc quy định đường một chiều trong thành phố Huế.
- Quyết định 775/2008/QĐ-UBND ngày 29/3/2008 Ban hành Quy định về điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa thuộc diện không phải đăng ký và đăng kiểm.
- Quyết định 44/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô áp dụng trên địa bàn tỉnh.
- Quyết định 31/2012/QĐ-UBND ngày 27/9/2012 Về việc ban hành Quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Quyết định 12/2014/QĐ-UBND ngày 19/3/2014 về việc ban hành Quy định về quản lý đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh và quốc lộ ủy thác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Quyết định 47/2014/QĐ-UBND ngày 07/8/2014 Ban hành Quy định tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc có trình độ văn hóa thấp.
- Quyết định 27/2015/QĐ-UBND ngày 21/7/2015 Banh hành Quy chế về quản lý Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Tình hình tuân thủ pháp luật:
Công tác kiểm tra, xử phạt hành chính nghiêm minh, thực hiện kịp thời trong thời gian qua đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao đã hạn chế được tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
a) Thanh tra theo kế hoạch:
Thực hiện Quyết định 2185/QĐ-SGTVT ngày 12/12/2018 của Giám đốc Sở GTVT về phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2019. Thanh tra Sở đã thực hiện 07 cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ô tô, xử phạt 47.700.000đ. Qua thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ô tô và yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế đó. Đã ban hành Quyết định 119/QĐ-TTr ngày 04/9/2019 về việc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về KDVT bằng ô tô tại chi nhánh Công ty Cổ phần Ánh Dương Xanh Việt Nam tại Thừa Thiên Huế (đang tiến hành).
b) Công tác phối hợp:
- Thực hiện Kế hoạch liên ngành số 04/KHLN/TTr-CA ngày 07/01/2019, Thanh tra Sở đã phối hợp với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH ra quân đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019.
- Thực hiện Chỉ thị 31-CT/TU ngày 07/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 23/KH- UBND, ngày 02/02/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bản tỉnh. Thanh tra Sở đã Triển khai Kế hoạch Liên ngành số 1374/KHPH-GTVT-CA ngày 06/8/2019 Sở GTVT và Công an tỉnh về kiểm tra hoạt động xe trá hình, kinh doanh vận tải trái phép, bảo đảm trật tự vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh; Tổ Liên ngành đã xử lý triệt để tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách chạy sai luồng, tuyến, đón trả khách không đúng quy định, xe vận chuyển hành khách không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định (tập trung xử lý xe khách trá hình vận chuyển khách từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại).
- Trạm KTTTX lưu động phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ & đường sắt, Công an tỉnh, Công an TX Hương Trà, Công an TX Hương Thủy kiểm soát tải trọng xe tại nơi bốc, xếp hàng hóa ngay từ nơi xuất phát, tại đầu mối, khu vực cảng, khu công nghiệp, các mỏ vật liệu... theo các Công văn đề nghị phối hợp của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an TX Hương Trà, Công an huyện Phong Điền. Kết quả như sau: Lập biên bản VPHC (do phòng CSGT và TTGT lập): 254 xe vi phạm; Chuyển KBNN thu: 5.438.700.000đ; Tước quyền sử dụng GPLX: 162 trường hợp.
c) Kết quả xử lý vi phạm hành chính:
- Tồn kỳ trước chuyển sang: 467 trường hợp.
- Số lượng biên bản VPHC: 1599 trường hợp.
- Số lượng Quyết định xử phạt VPHC: 1599 trường hợp.
+ Số lượng Quyết định xử phạt VPHC đã chấp hành: 1610 trường hợp.
+ Số lượng Quyết định chưa chấp hành: 456 trường hợp.
Trong đó: * Đang còn thời hiệu xử lý: 430 trường hợp
* Hết hiệu lực : 26 trường hợp (do đối tượng vi phạm không đến xử lý mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý).
- Tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn: 134 trường hợp.
- Tổng số tiền phạt thu được: 1.989.252.000đ.
d) Các nội dung vi phạm pháp luật có tính chất phổ biến:
Vi phạm quy tắc giao thông; phương tiện chở khách đón, trả khách không đúng nơi quy định; không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định; phương tiện khác dừng, đỗ sai quy định; quá trọng tải thiết kế; vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ…
III. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
1. Tồn tại, hạn chế
- Hoạt động kiểm tra, khảo sát, thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế.
- Còn có một số khó khăn như các trường hợp áp dụng xử phạt VPHC bằng các phương tiện kỹ thuật; việc gửi các quyết định xử phạt về địa phương; việc một số đối tượng vi phạm còn trốn tránh, không chấp hành quyết định xử phạt, quá thời hiệu và hiệu lực thi hành.
- Cán bộ, công chức phụ trách công tác pháp chế chưa có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ còn nhiều hạn chế; hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật vẫn còn lúng túng.
2. Nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật:
- Công tác tuyên truyền Luật giao thông đường bộ tuy đã được triển khai song còn một bộ phận người tham gia giao thông chưa thực sự quan tâm, thiếu hiểu biết về pháp luật.
- Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác quản lý hoạt động của phương tiện và người lái xe, còn khoán trắng cho lái xe.
- Do ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa cao, chưa nắm vững Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các Văn bản QPPL có liên quan, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông.
Đối với các lĩnh vực khác, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với đơn vị trực thuộc đang còn hạn chế. Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm việc thi hành pháp luật.
IV. Đề xuất, kiến nghị
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở; huy động sự tham gia tích cực của Công đoàn Ngành, Hội cựu chiến binh… đối với công tác xây dựng pháp luật và giám sát THPL.
- Cần đẩy mạnh việc triển khai, phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành trong cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ và các tổ chức, cá nhân, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Giao thông đường bộ.
- Chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin của các tổ chức, cá nhân phản ánh về lĩnh vực GTVT trong quá trình thực hiện pháp luật, để từ đó gắn công tác xây dựng pháp luật với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi THPL, kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách một cách hiệu quả.
- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật của các phòng, ban và các đơn vị trực thuộc nhằm kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
- Đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức theo dõi tình hình THPL; chú trọng đảm bảo các điều kiện cho thực thi công tác theo dõi tình hình THPL nói riêng và công tác THPL nói chung.
- Đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL nói chung và công tác THPL trong lĩnh vực Giao thông vận tải nói riêng.
- Đề nghị tiếp tục tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình THPL nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ.
Trên đây là báo cáo tình hình thi hành pháp luật năm 2019 (từ ngày 01/10/2018 đến ngày 15/9/2019), của Sở GTVT Thừa Thiên Huế