Phát biểu khai mạc tập huấn, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT cho biết tai nạn giao thông hiện nay đang là một vấn đề rất bức xúc, hàng năm trên toànthế giới có khoảng 1,3 triệu người bị chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông đường bộ, 80% trong số đó xảy ra ở những nước đang phát triển. Ở Việt Nam vấn đề trật tự an toàn giao thông đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo trong những năm qua, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Ngày 24/10/2012 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…
Thực hiện mục tiêu của Quốc hội đề ra hàng năm giảm tai nạn giao thông đường bộ trên cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương từ 5-10%, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATGT; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe…
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, UBATGTQG và của Bộ GTVT tai nạn giao thông đã giảm sâu trên cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, Kết quả, tình hình tai nạn giao thông trên toàn quốc đã có những chuyển biến tích cực; liên tiếp trong 6 năm (từ 2013 ÷ 2018) tai nạn giao thông (TNGT) đã được kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí; Toàn quốc đã xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người trong 10 tháng đầu năm 2019 (tính từ 15/12/2018 tới 14/10/2019). So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 594 vụ (giảm 4%), số người chết giảm 356 người (giảm 5,33%), số người bị thương giảm 676 người (giảm 5,85%).
Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn nhiều, số người chết vẫn còn ở mức cao, số vụ tai nạn có liên quan đến xe khách, xe tải, xe đầu kéo…còn phổ biến. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra những vụ tai nạn giao thông như vậy là do ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe chưa cao, kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như xử lý tình huống chưa được chú trọng, do vậy việc nâng cao kỹ năng lái xe an toàn cho mỗi lái xe khi tham gia giao thông (đặc biệt là đối tượng lái xe khách, xe tải và xe đầu kéo) là hết sức quan trọng và cần thiết.
Đây là năm thứ ba Bộ Giao thông vận tải tổ chức các khóa tập huấn lái xe an toàn nâng cao đối với doanh nghiệp vận tải. Năm nay, tiếp theo tỉnh Quảng Ninh, Gia Lai là địa phương thứ 2 tổ chức chuỗi 03 lớp tập huấn về kỹ năng lái xe an toàn nâng cao cho doanh nghiệp vận tải tại 3 miền Bắc Trung, Nam trong năm 2019.
Khóa tập huấn lần này tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp gồm: Bộ GTVT, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, Sở GTVT tỉnh Gia Lai, Hiệp hội Vận tải Gia Lai, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe, Công ty CP Xây dựng và Vận tải Gia Lai, Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mêkông – Nhật Bản.
Lãnh đạo Vụ ATGT và các đại biểu tham dự tập huấn
Tại buổi tập huấn này, 150 học viên là Trưởng bộ phận dạy thực hành lái xe của một số Cơ sở đào tạo sát hạch lái xe ô tô tại tỉnh Gia Lai và Trưởng bộ phận quản lý an toàn của doanh nghiệp vận tải trực thuộc Hiệp hội Vận tải Gia Lai đã được nghe các báo cáo viên, chuyên gia từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu An toàn giao thông – Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an tham luận về công tác bảo đảm an toàn trong vận tải hành khách bao gồm; Các quy định của Pháp luật Việt Nam liên quan đến vận chuyển xe khách; Tình hình tai nạn giao thông liên quan đến xe khách tại Việt Nam, các giải pháp nhằm nâng cao ý thức và văn hóa cho người lái xe khách, doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe khách; thời gian lái xe, sức khỏe lái xe, sử dụng các chất kích thích; công tác đăng kiểm phương tiện vận tải hành khách; Tăng cường công tác đào tạo, sát hạch lái xe vận tải hành khách an toàn, ứng dụng công nghệ vào công tác đào tạo, sát hạch lái xe khách; Tăng cường tập huấn nghiệp vụ và nâng cao ý thức doanh nghiệp vận tải trong việc tuân thủ các quy định hiện hành nhằm đảm bảo vận tải khách an toàn; Công tác quản lý và điều hành tại doanh nghiệp nhằm bảo đảm an toàn vận tải xe khách, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị.
Đối với nội dung thực hành, Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mêkông – Nhật Bản, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã trực tiếp giảng dạy, truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng thực hành lái xe an toàn mà Nhật Bản đang áp dụng như: Điểm lái xe an toàn (đặc trưng của ô tô, tầm nhìn an toàn, thực hành kiểm chứng điểm mù); thiết bị phản quang trên phương tiện vận tải; thực hiện các bước kiểm tra hàng ngày; một số lưu ý khi lái xe sinh thái; các nguy cơ tiểm ẩn khi lái xe và khi xếp rỡ hàng hóa; tinh thần thái độ của lái xe chuyên nghiệp;… Các học viên được chia thành các nhóm trực tiếp thực hành trên các loại xe khách khác nhau (16 chỗ, 29 chỗ, 45 chỗ và xe giường nằm).
Học viên học thực hành kiểm tra xe
Thông qua Khóa tập huấn các học viên đã được trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn nâng cao đối với xe tải, xe đầu kéo và xe nâng hàng khi tham gia giao thông. Với những kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn nâng cao mới được trang bị, các học viên sẽ áp dụng vào công tác giảng dạy, truyền đạt cho các lái xe tại địa phương và doanh nghiệp mình đang công tác nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ./.
Vụ ATGT